Chế độ thực tập sinh đã và đang nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa “dự kiến” về tiếp thu kỹ năng tại Nhật Bản, và “thực tế” về việc đảm bảo nguồn lao động. Chế độ này đã được triển khai 30 năm nay và hiện tại là thời điểm thích hợp để đưa ra những cải cách mạnh mẽ.
Năm 2022, tại thành phố Okayama đã xảy ra vụ việc một nam thực tập sinh người Việt đã bị hành hung suốt 2 năm khi làm việc tại công ty xây dựng. Không trả lương hay một số vấn đề nhức nhối khác bị phơi bày và chỉ trích. Bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc đó là ông Furukawa Yoshihisa đã thiết lập một nhóm nghiên cứu để xem xét lại thực trạng của chế độ thực tập sinh.
Tại đây, các nhà chuyên môn chỉ ra thực trạng của chế độ này là “đang xa rời mục đích chính là cống hiến mang tính quốc tế dựa trên đào tạo nhân lực, và lực lượng lao động bổ khuyết cho sự thiếu hụt nhân lực”. Tháng 12/2022, hội đồng chuyên gia đã được thành lập và xúc tiến các trao đổi mang tính xây dựng và thực tiễn.
Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú, tính đến cuối năm 2022, có 324.940 thực tập sinh làm việc tại Nhật Bản. Ngoài ra, năm 2021, có 7.167 người đã bỏ trốn do không chịu nổi chế độ đãi ngộ ở công ty tiếp nhận. Cũng trong năm 2021, đã có 190 cơ sở tiếp nhận thực tập sinh và tổ chức giám sát các cơ sở này đã bị thu hồi giấy phép do các hành vi sai trái.
Trong bản dự thảo báo cáo này, một vấn đề được thảo luận sôi nổi là dù có nhiều thực tập sinh đến Nhật với mục đích làm việc, nhưng mục đích tiếp nhận chỉ giới hạn là “cống hiến quốc tế dựa trên đào tạo”. Đào tạo cần thời gian nhất định và việc thay đổi nơi tiếp nhận lại không được quy định nên có nhiều ý kiến cho rằng “điều này là nguyên nhân và là bối cảnh xảy ra những vụ việc vi phạm nhân quyền đối với thực tập sinh”.
Mặt khác, theo một khảo sát với đối tượng là các thực tập sinh đã về nước, có khoảng 90% trả lời rằng “phát huy được kiến thức sau khi về nước”, một số còn cho biết đã đạt được thành công nhất định.
Làm thế nào để xây dựng một chế độ mới dựa trên những ưu điểm và xóa bỏ điểm yếu kém của chế độ cũ? Những thảo luận liên quan tới tương lai của Nhật Bản đang là vấn đề được quan tâm, khi mà tình trạng thiếu nhân lực do tỉ lệ sinh giảm và dân số già đang là một thực tế không thể tránh khỏi.