Ở Việt Nam chắc hẳn ai cũng quen thuộc với những thiết bị điện tử của TOSHIBA, nhất là vào những năm đầu của thế kỷ 21. Công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng, bền bỉ đã đem đến sự nhận diện thương hiệu tốt những sản phẩm của hãng. Không những thế, tập đoàn này còn tiên phong trong những lĩnh vực công nghiệp khác như y tế, máy móc cơ khí, bán dẫn và cả điện hạt nhân. TOSHIBA chính là niềm tự hào của đất nước Nhật Bản.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ sau bê bối tài chính 2015, họ liên tục phải bán đi những mảng kinh doanh quan trọng của mình và tái cơ cấu tổ chức. Tháng 6/2016, Midea Group (Trung Quốc) mua lại mảng sản xuất đồ điện tử gia dụng. Cũng trong năm đó, Canon mua mảng thiết bị y tế của Toshiba. Đỉnh điểm là năm 2017 khi Toshiba gặp rắc rối trong mảng điện hạt nhân tại Mỹ khi họ thông báo khoản thiệt hại lên đến hơn 6 tỷ USD. Và họ phải bán đi một trong những “đứa con” quan trọng bậc nhất của mình – mảng chip nhớ. Thời điểm đó, Toshiba là nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Samsung Electronics. Chuỗi bê bối kéo dài trong gần một thập kỉ đó đã đẩy đại gia công nghệ Nhật Bản vào vòng xoáy hỗn loạn, khi những cuộc cải tổ, “thay tướng”, kiện tụng liên tục diễn ra. Và Hội đồng quản trị của hãng đã phải tìm đến phương án cuối cùng, đó là “bán mình”.
Lời đề nghị 2.000 tỉ yen (13,5 tỷ USD) cùng cái gật đầu từ ban quản trị tập đoàn Toshiba đã đánh một dấu mốc buồn trong lịch sử của hãng. Họ chính thức bán mình cho công ty cổ phần tư nhân Japan Industrial Partners (JIP). Cổ phiếu của hãng cũng sẽ bị hủy niêm yết vào tháng 12 tới đây, kết thúc kỷ nguyên hơn 70 năm có mặt trên thị trường chứng khoán. Với sự thay đổi sang hình thức tư nhân hóa cùng dàn cổ đông hoàn toàn mới, việc chuyển giao được kỳ vọng sẽ khép lại giai đoạn khó khăn kéo dài gần một thập kỷ của tập đoàn có tuổi đời 148 năm này. Liệu đây sẽ là “đoạn kết”, hay sẽ là mở đầu cho sự hồi sinh của TOSHIBA?