Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

Động lực chữa mắt miễn phí cho người Việt Nam của vị bác sĩ người Nhật nhận giải thưởng “Nobel Châu Á”

Giải Nobel của Châu Á được trao cho một bác sĩ nhãn khoa người Nhật Bản với hơn 20 năm hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam. Nguồn động lực cao cả đó đến từ đâu?
Bác sĩ Hattori Tadashi khám chữa mắt tại Trung tâm chuyên khoa Mắt Ninh Thuận. Ảnh: 梁田真樹子
Bác sĩ Hattori Tadashi khám chữa mắt tại Trung tâm chuyên khoa Mắt Ninh Thuận. Ảnh: 梁田真樹子

Hattori Tadashi (58 tuổi), bác sĩ nhãn khoa người Nhật Bản là một trong bốn cá nhân nhận được Giải thưởng Ramon Magsaysay 2022 – giải thưởng được xem là “Nobel của Châu Á.” Vậy đâu là động lực để ông duy trì các hoạt động khám chữa bệnh miễn phí tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua?

Hành trình 20 năm chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể tại Việt Nam

Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay – được mệnh danh là Giải Nobel của Châu Á, đã công bố bốn chủ nhân của giải năm nay hồi cuối tháng 8.

Quỹ giải thưởng Ramon Magsaysay ra đời nhằm tôn vinh thành tựu của cựu Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay. Giải được trao cho các cá nhân, tổ chức có đóng góp to lớn cho sự phát triển của xã hội trong khu vực Châu Á.

Trước đây, Mẹ Teresa – người từng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1979 và Tetsu Nakamura – một người Nhật hy sinh tại Afghanistan, đã được trao giải thưởng này.

Năm nay, có thêm một người Nhật Bản đã được vinh danh.

Bác sĩ nhãn khoa Tadashi Hattori làm việc với nhiều bệnh viện trên khắp Nhật Bản. Trong khoảng 20 năm tại Việt Nam, ông đã phẫu thuật và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể – căn bệnh được coi là nguyên nhân gây ra mù lòa.

Bác sĩ Hattori chia sẻ: “Khi tôi nói sẽ dùng 6 triệu yên tiền đặt cọc mua nhà để sang Việt Nam chữa bệnh miễn phí, vợ tôi đã rất tức giận.”

Lý do nào khiến cho bác sĩ Hattori dành hết tài sản của mình để cứu chữa cho các bệnh nhân?

Cơ duyên bắt đầu từ lời khẩn cầu của một bác sĩ Việt Nam

Trong suốt 20 năm, bác sĩ Hattori đã phẫu thuật và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân đục thủy tinh thể tại Việt Nam. Ngay sau khi nhận được giải thưởng Ramon Magsaysay, ông đến Việt Nam đầu tiên.

“Bây giờ tôi sẽ khám mắt cho các bạn nhé. Rất mong được các bạn giúp đỡ”, bác sĩ Hattori nói.

Khởi đầu của những hoạt động này là khi bác sĩ Hattori gặp một bác sĩ người Việt và nhận được lời khẩn cầu giúp đỡ của người bác sĩ đó trong một Hội nghị về nhãn khoa được tổ chức vào năm 2001 tại Kyoto. 

Bác sĩ Hattori chia sẻ rằng: “Anh ấy đã chia sẻ với tôi về tình hình ở Việt Nam, rằng bác sĩ giỏi rất ít, vật tư y tế thì thiếu, và ngỏ lời đề nghị tôi giúp đỡ”. 

Lúc đó, dù đã được giới thiệu công tác tại một bệnh viện mới, nhưng ông quyết định điều trị và phẫu thuật miễn phí cho các bệnh nhân Việt Nam vì ông nghĩ rằng mình không thể bỏ mặc Việt Nam như vậy được. Ông nhận được sự cho phép của vợ và dự định sang Việt Nam 3 tháng. Tuy nhiên… 

“Tôi không khám hết cho mọi người trong 3 tháng đó”, ông chia sẻ.

Cứ như vậy bác sĩ Hattori đã từ chối lời mời làm việc tại các bệnh viện của Nhật Bản và quyết định tiếp tục hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam.

Dành hết tài sản để cứu chữa bệnh nhân - bắt nguồn từ “lời dạy của cha”

Nhưng ngay lập tức, khó khăn ập đến. Thiếu thiết bị và thiếu cả kinh phí nữa. Vì vậy, ông đã quyết định sử dụng 6 triệu yên tiền tích góp vốn được dùng để mua nhà của mình.

“Vợ tôi đã tức giận khi tôi nói sẽ sử dụng toàn bộ số tiền đó để sang Việt Nam” – ông kể lại.

Cuối cùng, ông đã thuyết phục được vợ mình. Dù cha ông đã mất, nhưng những lời dạy của cha đã tiếp thêm động lực cho ông, giúp ông kiên định, luôn vững bước trên hành trình nhân đạo cứu chữa cho các bệnh nhân.

“Cha đã dạy tôi rằng hãy chăm chỉ hơn người khác, không chịu thua người khác, nhưng phải luôn hết mình vì người khác”. 

Trong suốt 20 năm, tháng nào ông cũng đi đi về về giữa Việt Nam với Nhật Bản. Nửa tháng đầu làm việc ở Nhật Bản, nửa tháng sau chữa trị tại Việt Nam. Tới nay, ông đã điều trị cho hơn 20.000 bệnh nhân.

Bác sĩ Hattori luôn tâm huyết với hoạt động này vì ông tin rằng đôi mắt sáng có thể giúp người dân cải thiện cuộc sống. 

Ông chia sẻ: “Chỉ cần một bên mắt nhìn được là chúng ta có thể làm việc được. Vì vậy, tôi luôn tâm niệm rằng phẫu thuật là bước đầu tiên giúp họ thoát nghèo. Công việc của bác sĩ nhãn khoa là khám mắt, nhưng khi phẫu thuật tôi luôn quan tâm đến gia cảnh của bệnh nhân. Điều quan trọng là mỗi lần phẫu thuật, tôi luôn coi họ là con người, chứ không phải là bệnh nhân”. 

Việt Nam có khoảng 1,76 triệu người khiếm thị

Bác sĩ Hattori vẫn tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh miễn phí của mình. Nhưng số người khiếm thị ở Việt Nam lại quá nhiều. 

Theo Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á, khoảng 1,8% dân số Việt Nam, tương đương 1,76 triệu người bị mù một hoặc cả hai mắt.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Nhãn khoa Nhật Bản, năm 2009, số người mù tại Nhật Bản là khoảng 188.000 người. 

Con số so sánh cho thấy tỷ lệ của Việt Nam cao đến mức nào

Chuyển giao công nghệ cho thế hệ bác sĩ trẻ trong nước

Theo bác sĩ Kinoshita Shigeru thuộc Tổ chức Phòng chống mù lòa Châu Á, Việt Nam tiếp nhận lượng tia cực tím lớn nên nguy cơ bị đục thủy tinh thể cao hơn một số nước khác. Trong khi đó, nhiều người ở giai đoạn đầu của bệnh thường nghỉ việc, không đủ khả năng tài chính khám chữa tại bệnh viện nên không thể điều trị tiếp được. 

Ngoài ra, bác sĩ Kinoshita cho biết vì kỹ thuật còn lạc hậu, nên ngay cả các bệnh viện top đầu cũng không thể điều trị dứt điểm. Mặc dù những ca bệnh này có thể điều trị dễ dàng tại Nhật Bản. 

Bác sĩ Hattori hiện đang tập trung đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ, giúp Việt Nam tiếp cận nền y tế tiên tiến.

“Tôi đã đào tạo, hướng dẫn cho hơn 20 bác sĩ về kỹ thuật phẫu thuật võng mạc và đục thủy tinh thể. Tôi muốn chia sẻ, truyền đạt các kỹ thuật đó cho các bác sĩ trẻ của Việt Nam, thay vì giữ riêng cho mình. Như vậy, sẽ càng ngày nhiều bệnh nhân được cứu chữa hơn”, bác sĩ Hattori chia sẻ.


(Trích chương trình “Yoko Oshita Wide! Scramble” phát sóng ngày 24/10/2022)

Nguồn: ANNnews
Bài viết gốc

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review