Một điều thú vị rằng sau đại dịch Covid-19, người dân Nhật Bản sở hữu khối tài sản tích lũy lên đến 2 triệu tỷ yên, nhiều gấp 4 lần GDP hàng năm của cả nước. Nhưng cũng từ thời điểm này, đồng Yên liên tục mất giá vì chính sách lãi suất âm của Nhật Bản đi ngược lại xu hướng toàn cầu. Dễ hiểu hơn nếu bạn giữ tiền mặt hoặc gửi tiền vào ngân hàng, khối tài sản của bạn sẽ ngày càng mất giá trị. Và thế là cơn sốt vàng tại Nhật Bản bắt đầu sục sôi.
Vàng đã tăng giá trong 18 tháng liên tục. Các hộ gia đình đã “thấm” được sức nóng của lạm phát và đổ xô đi mua vàng làm tài sản phòng hộ. Ngày 5/9, giá vàng ở Tanaka Kikinzoku, một trong những nhà bán lẻ vàng lớn nhất Nhật Bản, giao dịch ở mức 10.100 yen/gram. Phản ánh một thực tế rằng người dân Nhật đang “ruồng bỏ” chính đồng tiền của nước họ, thay đổi thói quen giữ tiền mặt đã được duy trì hàng chục năm nay. Nhưng ngân hàng trung ương Nhật Bản vẫn nói “Không”. Họ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo và chưa có dấu hiệu gì về việc sẽ “giải cứu” đồng Yên. Thực tế, tăng trưởng tiêu dùng của Nhật Bản đã trì trệ kể từ tháng 3. Nhiều người đã dự đoán đồng yên sẽ suy yếu về mức 155 yen đổi 1 đô la Mỹ trong thời gian tới, xuyên thủng mức đáy của hàng chục thập kỷ vừa qua!
Với cộng đồng người Việt đang làm việc tại Nhật Bản, hơn ai hết họ là người “thấm thía” nhất sự mất giá của đồng Yên. Lạm phát trong nước tăng cao, số tiền gửi về cho gia đình giảm sút. Họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi sự tăng giá của đồng Yên. Nhưng có lẽ sẽ còn khá lâu nữa, đồng Yên mới có thể lấy lại “ánh hào quang rực rỡ” của năm xưa.