Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

Lừa đảo tiền trợ cấp corona cho công ty, một người phụ nữ Việt Nam bị trục xuất về nước

Người phụ nữ này chỉ muốn có một cuộc sống bình yên với gia đình mình tại Nhật Bản, vậy tại sao cô ấy lại nhúng tay vào những sai lầm khiến cô ấy cảm thấy hối hận rằng mình đã quá nông nổi?
Sơ đồ giải thích vụ việc nhận tiền trợ cấp một cách bất chính. Ảnh: The Sankei News
Sơ đồ giải thích vụ việc nhận tiền trợ cấp một cách bất chính. Ảnh: The Sankei News

Trợ cấp hỗ trợ duy trì kinh doanh (持続化給付金) là một đối sách kinh tế của chính phủ Nhật Bản dành cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh corona.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ và chủ hộ kinh doanh cá thể có doanh số giảm được nhận trợ cấp khoảng 5,5 nghìn tỷ yên, đây là sự hỗ trợ để vượt qua tình thế khó khăn, vậy nhưng đã có khoảng 1,4 tỷ yên đã được nhận một cách bất chính. Một người phụ nữ Việt Nam nhận 200 vạn yên (~340 triệu VND) một cách bất chính đã nhận trả lời phỏng vấn và tiết lộ toàn bộ sự việc từ đầu tới cuối. 

Một người Trung Quốc quen biết đã đề xuất chuyện này với tôi

Đó là ngày 1/5/2020, khi đó dịch bệnh vẫn còn đang trong tình trạng bùng phát dữ dội, lệnh khẩn cấp đã được ban bố trên toàn quốc. Chị Mai Thị Liên (31 tuổi) (tên giả) quốc tịch Việt Nam, đã được mời tới nhà một người đàn ông Trung Quốc quen biết ở quận Nishinari, thành phố Osaka.

Lúc đó chị Liên cầm trong tay giấy đăng ký pháp nhân và giấy khai báo thuế của công ty bán thực phẩm do chính chị điều hành. Sau khi chị Liên đưa những gì được yêu cầu thì người đàn ông Trung Quốc nói “còn lại để tôi tiến hành làm các thủ tục”, rồi nhẹ nhàng kết thúc cuộc nói chuyện.

Trước đó khoảng 1 tuần, chị Liên được người đàn ông giải thích về chế độ nhận tiền trợ cấp và được gợi ý rằng “công ty đang gặp khó khăn về kinh doanh do dịch bệnh thì nên đăng ký”.

Dù việc kinh doanh của chị Liên hầu như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tuy nhiên do người đàn ông nói rằng “có thể nhận tiền một cách dễ dàng từ chính phủ”, nên chị đã đồng ý với đề xuất này mà không xác nhận về chế độ và các điều kiện đăng ký.

Các thủ tục nhận trợ cấp được đơn giản hóa khá nhiều, việc chuyển tiền trợ cấp được tiến hành một cách nhanh chóng, không bao lâu sau chị Liên đã nhận được khoản trợ cấp tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là 200 vạn yên. Trong đó chị trả tiền dịch vụ cho người đàn ông kia là 40 man (~68 triệu VND), số còn lại dùng vào hoạt động kinh doanh của công ty.

Chị Liên lúc này đang nuôi đứa con trai thứ, hài lòng với cuộc sống tại Nhật, trong tương lai dự định sẽ bảo lãnh những thành viên khác trong gia đình tới đây để định cư tại Nhật. Lúc đó chị Liên không hề nghĩ rằng cuộc sống hàng ngày của mình sẽ bị thay đổi hoàn toàn.

Tiền trợ cấp yêu cầu tạm ngừng kinh doanh (休業要請支援金) cũng được nhận một cách bất chính

Vào tháng 10/2020, gần 5 tháng sau khi đăng ký trợ cấp, điều tra viên của sở cảnh sát tỉnh Osaka đã tới nhà chị Liên và nói “chúng tôi muốn hỏi chị một chút về việc đăng ký tiền trợ cấp”. Sau đó chị Liên đã cùng đi tới sở cảnh sát ở thành phố Osaka, tại đây chị Liên bị chất vấn liên tục về cách thức đăng ký trợ cấp và người đàn ông chị quen biết.

Lúc đầu chị Liên không hiểu tại sao cảnh sát lại thẩm vấn mình, thế nhưng khi cảnh sát tiến hành hỏi về sự tình thì chị Liên đã hiểu ra mình đang bị đặt trong hoàn cảnh nào. 

Người đàn ông mà chị quen biết đã đề xuất nhận đăng ký trợ cấp bất chính cho một vài doanh nghiệp, và được cảnh sát tỉnh cho đưa vào diện tình nghi có hành vi xúi giục phạm tội. Công ty của chị Liên cũng vậy, mặc dù không đủ điều kiện để nhận trợ cấp, tuy nhiên doanh thu đã bị bóp méo một cách đáng kể để đăng ký trợ cấp.

Chị Liên biết được sự việc đã giải thích rằng: “Đó là một hành động bất cẩn, nhưng không có chuyện tôi nói dối để lấy được tiền.” Kết quả điều tra, việc truy tố tội nhận tiền trợ cấp hỗ trợ duy trì kinh doanh một cách bất chính đã được hủy bỏ. Tuy nhiên vụ việc chị Liên nhận 100 vạn yên tiền trợ cấp yêu cầu tạm ngừng kinh doanh một cách bất chính thông qua sự hướng dẫn của người đàn ông kia đã bị phát hiện, nên chị đã bị khởi tố do nghi ngờ lừa đảo bất thành (詐欺未遂). Vào tháng 1/2021, chị Liên đã bị khởi kiện với tội danh lừa đảo bất thành và nhận phán quyết có tội kèm theo án treo.

Phản ứng người phụ nữ nhận quán quyết có tội kèm án treo

Theo Cục doanh nghiệp vừa và nhỏ (中小企業庁), tính từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021 đã có tổng cộng đã có 4,24 triệu trường hợp được nhận tổng cộng 5,5 nghìn tỷ yên trợ cấp hỗ trợ duy trì kinh doanh. Trong đó có 1,4 tỷ yên tiền trợ cấp được phát hiện đã được nhận một cách bất chính tính đến ngày 4/8/2022, trong đó 1,1 tỷ yên đã được hoàn trả, còn gần 300 triệu yên vẫn chưa được thu hồi.

Luật sư Takahashi Mari cho biết, nguyên nhân xảy ra những vụ nhận trợ cấp bất chính tràn làn là do chính phủ ưu tiên cứu trợ kinh tế một cách nhanh chóng nên việc kiểm tra hồ sơ trở nên lỏng lẻo.

Cuối tháng 6/2022, khi nhận trả lời phỏng vấn, chị Liên đã nói: “Tôi thật nhẹ dạ khi đã không kiểm tra các yêu cầu nhận trợ cấp mà cứ thế nhờ đăng ký. Tôi muốn xin lỗi vì đã dính líu tới việc nhận trợ cấp bất chính”. Tuy nhiên chị giải thích rằng số tiền đó đã được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của công ty nên không thể trả lại được nữa. Sau khi tội lừa đảo bất thành được xác định, chị Liên đã bị trục xuất về Việt Nam.

Trên trang web của Cục doanh nghiệp vừa và nhỏ có liệt kê thông tin của các doanh nghiệp và các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa trả lại tiền trợ cấp được nhận một cách bất chính. Tên công ty của chị Liên vẫn chưa được xóa tên khỏi danh sách đó.

Nguồn: Uyama Tomoaki / The Sankei News
Bài viết gốc

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review