Bài báo xin được giới thiệu một vài thông tin về vụ án sát hại bé gái 9 tuổi ở Chiba, tiếp nối phần trước “Phóng sự Góc khuất phía sau vụ án bé gái 9 tuổi người Việt bị sát hại tại Chiba: Tại sao Nhật Linh lại bị chính Hội trưởng Hội phụ huynh giết hại?”. Phóng sự này nằm trong cuốn sách “Tiếng nói của ánh sáng: Một sự thật khác về những vụ trọng án không được truyền thông đưa tin” (tạm dịch) của Nhà xuất bản Tetsujinsha, được chấp bút bởi nhà văn phi hư cấu Takagi Mizuho và Azuma Kenichiro, nhà làm phim tự do kiêm chủ kênh Youtube “Tiếng nói của ánh sáng” (Hikage no koe).
Đánh giá tính cách không tệ nhưng…
Shibuya Yasumasa sở hữu một tòa nhà chung cư khang trang trước ga Mutsumi tuyến Tobu Noda và sống nhờ vào tiền cho thuê nhà hàng tháng.
Nhưng theo một người sống gần đó và biết rõ về anh ta thì “Đó chỉ là tài sản thừa hưởng được từ bố mẹ chứ không phải do anh ta tự gây dựng”.
Shibuya sống trong một căn hộ thuộc căn hộ chung cư đó cùng một người phụ nữ quốc tịch Trung Quốc nhưng cả hai không đăng ký kết hôn và có 2 con chung. Một trong hai người con đó học cùng năm với Nhật Linh.
“Có những lúc tôi nghĩ anh ta quản lý chung cư hơi khắt khe nhưng thà vậy còn hơn quản lý lỏng lẻo. Tôi vẫn nghĩ rằng chủ nhà là người nghiêm túc, cẩn thận.”
Theo lời chia sẻ của một người sống trong chung cư thì đánh giá về hung thủ không quá tệ như dự đoán.
Tôi đã thử tìm hiểu từ bạn cùng lớp cấp ba của anh ta nhưng câu chuyện không đi được vào trọng tâm. Đúng hơn là không có ai thật sự hiểu rõ tính cách của Shibuya.
Phải chăng Shibuya Yasumasa Shibuya đã che giấu bản chất độc ác và sống ẩn mình trong lớp vỏ bọc tàn nhẫn trong suốt 46 năm cho đến khi bị bắt?
Nghi ngờ nảy sinh
Tuy nhiên, trong quá trình thu thập thông tin, tôi đã nghe được một câu chuyện đáng chú ý từ một phụ huynh.
“Con của Shibuya và con gái tôi học cùng lớp tiểu học, nên con gái tôi đã vài lần đến nhà Shibuya chơi một mình. Con bé kể là nó thấy sợ vì bị ông Shibuya nhìn chằm chằm.”
Tội phạm ấu dâm…
Qua các thông tin thu thập được, tôi mong chờ cái ngày được nghe động cơ gây án từ chính hung thủ tại phiên tòa xét xử. Tuy nhiên, Shibuya đã thẳng thừng phủ nhận hành vi phạm tội của mình, chứ đừng nói đến động cơ gây án. Thế nhưng, điều khiến tôi thất vọng hơn cả là bức thư tôi gửi cho Shibuya lúc anh ta đang bị tạm giữ tại Chiba, không hề nhận được hồi đáp. Con đường trực tiếp lắng nghe chân tướng sự việc bị cắt đứt. Có vẻ như anh ta từ chối mọi liên lạc từ truyền thông.
Nội dung bức thư gửi đến người hỗ trợ
Trong khi đang tìm cách để nghe câu chuyện từ phía Shibuya – lúc đó đang bị giam trong tù, tôi đã tìm gặp được một người phụ nữ.
“Khi xảy ra những vụ án lớn, tôi thường gửi thư hỏi xem họ có gặp khó khăn gì không. Tôi cũng gửi một lá thư như thế cho Shibuya.”
Cô ấy phụ trách hoạt động hỗ trợ cải tạo tội phạm. Cô ấy cho biết, vài tháng sau khi gửi thư, khi cô ấy đã quên mất lá thư đó thì lại nhận được phản hồi.
“Xin chào. Cảm ơn vì đã gửi thư cho tôi. Tôi đang bị xuất huyết đáy mắt, cả hai mắt sắp mất thị lực, tôi không nhìn thấy nên không hiểu nội dung thư của bạn. Rất xin lỗi. Tôi xin lỗi vì chữ viết hơi xấu, là do tôi không nhìn thấy được. Nếu lần sau bạn còn gửi thư cho tôi, xin hãy viết chữ với kích cỡ như đồng xu 10 yên bằng bút lông hoặc bút dạ.” (tóm lược một phần nội dung thư)
“Tôi nghĩ anh ta nói dối. Nếu không hiểu nội dung thư, thì tại sao anh ta lại có thể đọc được địa chỉ thư của tôi và viết thư cho tôi? Thật khó giải thích cho việc này.”
Dù vậy, thể theo yêu cầu của Shibuya, cô ấy đã viết chữ cỡ to bằng đồng xu 500 yên thay vì đồng 10 yên. Tuy nhiên, cô ấy không nhận được hồi âm. Mùa đông năm 2020, khoảng một năm rưỡi sau khi bị lãnh án tù chung thân tại phiên tòa sơ thẩm (ngày 6 tháng 7 năm 2018) diễn ra tại Tòa án tối cao Tokyo, Shibuya đã gửi cho cô ấy một tấm bưu thiếp. Chữ viết nguệch ngoạc nên thậm chí cô ấy còn không hiểu anh ta viết gì.
Thế nhưng, địa chỉ của cô ấy lại được viết rất rõ ràng, cho thấy tinh thần người viết rất thoải mái.
“Nói thẳng ra, tôi nghĩ anh ta cố tỏ ra là không nhìn thấy. Có một thời gian, trong các phiên tòa, anh ta nói mắt không nhìn thấy, nhưng một thời gian sau, anh ta lại không có vẻ như thế nữa. Điều đó cho thấy anh ta hành động không có tính toán. Những kẻ gây ra trọng tội thường như vậy, nhưng tôi có cảm giác khó có thể xây dựng mối quan hệ tin tưởng với anh ta, nên kể từ đó tôi cũng không gửi cho anh ta bất kỳ lá thư nào nữa.”
Có nên coi đó là một hành động bừa bãi hay là hành vi gian xảo? Tôi nghĩ suy đoán của cô ấy là đúng. Những tên tội phạm giết người thường hay giả vờ bị bệnh.
Một thông tin bất ngờ...
Phiên tòa xét xử Shibuya với tội xâm hại tình dục gây chết người và giết người đã diễn ra. Ngày 23/3/2021, Tòa án cấp cao đã bác bỏ đơn kháng cáo và tuyên án tù chung thân đối với bị can. Đương nhiên, gia đình nạn nhân đã không đồng tình với quyết định này và tiếp tục yêu cầu án tử hình dành cho hung thủ. Tuy nhiên, xét theo án lệ thì tù chung thân là hình phạt hợp lý. Bố nạn nhân – anh Lê Anh Hào có suy nghĩ thế nào khi đối mặt với sự thật này?
Vào lúc đó, tôi nhận được một thông tin bất ngờ từ đồng nghiệp.
“Nghe nói anh Hào mở một quán ăn Việt Nam ở Chiba đấy.”
Tôi thật sự ngạc nhiên. Tôi cứ tưởng sau khi lo hậu sự cho con gái tại Việt Nam, anh Hào và gia đình sẽ rời Nhật Bản để về Việt Nam một khi phiên tòa xét xử kết thúc, nhưng anh đã quyết định ở lại.
Quán anh Hào mở có tên là “Hà Nguyên”, một quán ăn Việt Nam nằm trước nhà ga Motoyama tuyến Shin-Keisei. Tôi lập tức ghé thăm quán và đập vào mắt tôi là hình ảnh anh Hào đang ôm bó hoa mừng ngày khai trương.
Suy nghĩ của người cha về hung thủ đã giết hại cô con gái yêu quý
“Đối với tôi, hung thủ sát hại Nhật Linh chính là Shibuya Yasumasa. Hắn là một tên tội phạm tàn ác, không một chút hối lỗi, cũng không thể bị tuyên án tử hình công khai. Hắn không hề có tính người. Tôi nghĩ hắn không nên tồn tại trong xã hội chúng ta. Vì thế, tôi muốn hắn biến mất khỏi thế giới này.”
Kể từ khi vụ án xảy ra, anh Hào vẫn tiếp tục yêu cầu tòa án áp dụng hình phạt tử hình dành cho hung thủ. Để đạt được điều đó, anh đã trau dồi thêm tiếng Nhật, tự mình đứng trước nhà ga và thông qua cả mạng xã hội, anh cố gắng kêu gọi chữ ký của mọi người ở cả Việt Nam lẫn Nhật Bản để mong có bản án cao nhất dành cho hùng thủ.
Bất ngờ trước bản án tù chung thân trong phiên tòa sơ thẩm, anh quyết định: “Nếu vậy thì mình sẽ tự đòi lại công lý.”
Anh cứ đứng trên phố và lặp lại câu văn tiếng Nhật mà anh đã học thuộc lòng. “Tôi muốn bản án tử hình dành cho hung thủ đã giết Nhật Linh. Gửi những người dân sống tại tỉnh Chiba và toàn bộ người dân Nhật Bản, tôi là cha của bé Nhật Linh.”
Hành động của anh Hào nhận được nhiều sự ủng hộ và anh đã nhận được 1,35 triệu chữ ký.
Sự “hờ hững” của bộ máy tư pháp Nhật Bản
Anh Hào đã yêu cầu kháng cáo ngay sau khi Tòa án cấp cao phán quyết rằng vụ giết người này không được lên kế hoạch từ trước và án tù chung thân là phù hợp. Tuy nhiên, bên công tố đã không kháng cáo và trên thực tế, Shibuya không bị kết án tử hình.
Ngay sau khi vụ án xảy ra, anh Hào đã nghỉ việc ở công ty. Hai tháng sau khi có phán quyết của Tòa án Chiba, anh quay lại làm việc nhưng lại nghỉ vào tháng 8 năm 2020. Anh không còn tâm trí nào để làm việc nữa. Anh đã hy sinh cuộc sống riêng để chiến đấu cho con gái mình.
“Tôi không thể nào tha thứ cho Shibuya Yasumasa. Nếu là người (Nhật) khác không liên quan đến vụ án thì đương nhiên họ cũng không cần để tâm. Nhưng có rất nhiều người tốt, họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều sau khi vụ án xảy ra. Nhưng từ nay, tôi sẽ không nhận trả lời phỏng vấn liên quan đến vụ án của con gái tôi nữa.”
Dù phán quyết của cơ quan tư pháp Nhật Bản không thuyết phục nhưng anh cũng đành phải chấp nhận.
Chỉ có sự ra đi của con gái là anh chưa thể chấp nhận được. Vậy nên anh mới thể hiện mong muốn rằng “Không muốn bị xâm phạm đời tư hơn nữa”. Hiểu được tâm trạng của anh, tôi thấy xấu hổ vì sự vô tâm của mình và dừng việc phỏng vấn anh.
Có những người muốn kể về vụ án, nhưng cũng có những người không muốn bàn luận thêm vì họ muốn quên đi.
Nếu đặt mình vào vị trí của gia đình của nạn nhân thì nên lựa chọn bên nào? Không có câu trả lời cho chính xác cho câu hỏi này. Dù lựa chọn thế nào, thì gia đình nạn nhân cũng không thể nào nhìn thấy tia sáng hy vọng.
Thế nhưng, khi gia đình nạn nhân không muốn nhắc lại, thì tôi có thể làm được gì?
Khi tôi gọi điện cho anh Hào để xin lỗi vì hôm trước đã thất lễ, anh ấy bất ngờ xin lỗi lại tôi. “Tôi xin lỗi vì tôi đã không thể chia sẻ chuyện của con gái mình”. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định nói với anh Hào rằng: “Tôi muốn ghé thăm quán ăn của anh một lần nữa” và anh ấy ngay lập tức đồng ý. Đương nhiên, tôi cũng không đề cập tới chuyện bé Nhật Linh tại quán của anh Hào.
Tình yêu thương đong đầy dành cho con gái...
Hôm tôi đến, anh Hào đang dán lại thực đơn của quán.
“Hôm nay chúng tôi chuyển sang thực đơn mới và điều chỉnh lại giá. Tôi nghĩ là phải làm sao để cả khách hàng lẫn nhà hàng đều cảm thấy hài lòng.”
Theo quan sát của tôi, quán ăn của anh Hào đang kinh doanh khá tốt. Anh chia sẻ: “Tôi cảm thấy có lỗi nếu mình là người duy nhất kiếm lời được”. Điều này nói lên tính cách của anh.
Sau khi dán xong, anh Hào vừa nhìn vào bức tường dán thực đơn mới vừa chia sẻ: “Món nem cuốn này là món mà Nhật Linh và vợ tôi hay làm cùng nhau. Món yêu thích nhất của con là sinh tố xoài.”
Anh Hào đột nhiên kể về chuyện của bé Linh dù trước đó đã từ chối trả lời phỏng vấn.
“Giá mà Linh vẫn còn sống khi tôi mở quán thì vui biết bao. Thật không thể tưởng tượng nổi. Con gái tôi mãi mãi ra đi khi mới chỉ là học sinh lớp 3.”
Thực đơn của quán cũng chan chứa những kỷ niệm giữa anh và con gái. Trong khi cố gắng động viên bản thân vượt qua, anh Hào đã không do dự mà thay đổi suy nghĩ trước đây của mình.
“Tôi sẽ trả lời phỏng vấn về vụ án của bé Linh một lần nữa. Nhưng tôi nghĩ đây sẽ là lần cuối cùng. Tôi không muốn nhớ lại vụ án nữa, nhưng gia đình tôi phải tiếp tục tiến về tương lai phía trước. Vì vậy, ngoài vụ án thì xin anh hãy viết về gia đình chúng tôi của hiện tại nữa.”
Điều Nhật Linh mong muốn thực hiện
Sau vụ án, anh Hào đã nhiều lần đọc đi đọc lại những bài tập làm văn do Nhật Linh viết với một cuốn từ điển trên tay. Trong đó, có đoạn văn nói về mong muốn giới thiệu đất nước Việt Nam với các bạn người Nhật của cháu.
“Điều mà cháu muốn thực hiện là giới thiệu ẩm thực và văn hóa Việt Nam đến với Nhật Bản. Vì vậy tôi đã suy nghĩ về những việc mình có thể làm được và sẽ cố gắng hiện thực hóa điều đó.”
“Muốn trở thành cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam.”
Câu nói này của Linh chính là lý do để anh Hào mở quán ăn Việt Nam “Hà Nguyên”.
Sau phán quyết của Tòa án cấp cao, anh Hào cho biết:
“Vì Tòa án tối cao là hy vọng cuối cùng của chúng tôi, nên chúng tôi thực sự muốn công tố viên kháng cáo. Giờ đây tôi không biết nói gì với đứa con gái bé bỏng của mình, tôi không biết tương lai sau này mình phải làm gì nữa.”
Hiện tại, Shibuya vẫn chưa bị kết án tử hình. Hàng tháng, cứ đến ngày 24, ngày giỗ của Nhật Linh, anh Hào đều đến thăm ngôi miếu màu hồng. (Ngày 11 tháng 5 năm 2022, Tòa án Tối cao bác bỏ đơn kháng cáo và tuyên bố Shibuya lãnh án tù chung thân.)
“Mục tiêu sắp tới của tôi là cùng gia đình duy trì quán ăn này. Tôi nghĩ đó cũng là điều mà con gái tôi mong muốn. Vì vậy, tôi sẽ cố gắng làm việc thêm một thời gian nữa tại Nhật Bản.”
Ước mơ của Nhật Linh đã giúp gia đình anh Hào có thêm động lực để từng bước tiến về phía trước. Mùa xuân năm 2022, tên quán ăn được đổi thành “Hào Nguyên” theo tên của hai vợ chồng anh.
Ở đó, tôi không nhìn thấy sự bi quan khi “hy vọng cuối cùng” bị dập tắt, mà là sự quyết tâm đồng hành cùng bé Linh của gia đình nạn nhân.
Trích từ cuốn sách “Tiếng nói của ánh sáng: Một sự thật khác về những vụ trọng án không được truyền thông đưa tin” (tạm dịch).