Có khoảng 2.400 người Việt Nam làm việc tại tỉnh Miyazaki, chủ yếu là thực tập sinh kỹ năng. Con số này chiếm gần một nửa sống người nước ngoài tại tỉnh, cho thấy mối liên kết sâu sắc giữa hai bên.
Đây là lần đầu tiên tỉnh ký kết hợp tác với một trường học ở nước ngoài. Vì sao lại là Việt Nam? Mục tiêu là gì? Sau đây là ghi nhận của phóng viên.
Vì sao người Việt Nam lại đông?
Như chúng tôi đã giới thiệu, có khoảng 2.400 người Việt đang làm việc tại tỉnh Miyazaki, chiếm gần một nửa số người nước ngoài ở đây. Tình trạng này không chỉ riêng ở tỉnh Miyazaki. Ở Kagoshima, tính đến cuối tháng 10 năm 2021, có 4.815 người Việt, chiếm hơn một nửa số lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Vì sao số lao động người Việt lại tăng lên như vậy? Khi trao đổi với các cơ sở có tuyển dụng thực tập sinh người Việt, chúng tôi được biết một bộ phận doanh nghiệp có ấn tượng rằng “người Việt Nam rất chăm chỉ, luôn nghĩ cho gia đình”, nên họ rất yên tâm khi tuyển dụng người Việt.
Hơn nữa, vì đã có thực tập sinh người Việt ở tỉnh Miyazaki nói riêng và Nhật Bản nói chung, nên khi tuyển thực tập sinh người Việt họ cũng yên tâm hơn.
Họ đã hình thành được một hệ thống khá hoàn thiện. Ví dụ như họ liên lạc với thực tập sinh qua mạng xã hội trước khi đến Miyazaki rồi tổng hợp thông tin, thậm chí còn có cả trường dạy tiếng Nhật (dành cho thực tập sinh) tại tỉnh.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một ngôi trường như thế nào?
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhất trí hợp tác với tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực. Đây là một trường đại học tổng hợp với khoảng 30.000 sinh viên, 14 khoa ngành chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thông qua hợp tác, tỉnh Miyazaki sẽ tiếp nhận nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp của Việt Nam, triển khai chương trình thực tập với nông dân…, với mục đích đảm bảo nguồn nhân lực hỗ trợ trong ngành nông nghiệp vốn đang thiếu nhân lực trầm trọng.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Nguyễn Thị Lan cho biết: “Nông nghiệp là một ngành quan trọng đối với cả hai quốc gia. Tôi hy vọng hợp tác lần này sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”
Đây là lần đầu tiên tỉnh Miyazaki hợp tác liên kết với một trường đại học nước ngoài. Thống đốc tỉnh Kono Shunji chia sẻ: “Tỉnh Miyazaki mong muốn tăng cường hợp tác với trường không chỉ ở lĩnh vực nông nghiệp mà ở nhiều lĩnh vực khác nữa”.
Thực ra, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan đã từng theo học tại trường Đại học Miyazaki
Sự hợp tác lần này giữa tỉnh Miyazaki và Học viện Nông nghiệp Việt Nam bắt nguồn từ mối lương duyên giữa PGS.TS. Nguyễn Thị Lan với trường Đại học Miyazaki.
Năm nay, chị 48 tuổi. Chị từng du học tại trường Đại học Miyazaki, chuyên ngành Khoa học thú y thuộc bộ môn Khoa học nông nghiệp từ năm 2002 đến 2007. Chị dành nhiều công sức để nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở chó và đã nhận được bằng Tiến sĩ về “Bệnh lý học thú y”. Sau đó, chị trở về Việt Nam và đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi mới hơn 40 tuổi.
Chị đã tới thăm khu ký túc xá mình từng ở tại trường Đại học Miyazaki, gặp gỡ Hiệu trưởng Sameshima Hiroshi và khẳng định sẽ thúc đẩy trao đổi sinh viên và đồng nghiên cứu giữa hai bên. Chị cũng đã tới thăm phòng nghiên cứu trước đây và giao lưu với các sinh viên khóa dưới của mình. Ở phòng nghiên cứu vẫn còn lưu bảng tên của chị.
Tôi cảm thấy rất hồi hộp trước khi quay trở lại Miyazaki, nhưng khi nhìn thấy khung cảnh quen thuộc, tôi thấy rất vui. Cho tới giờ, tôi vẫn luôn tự hào vì đã theo học tại trường Đại học Miyazaki.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Các hoạt động giao lưu sẽ còn nhiều hơn nữa
Vào tháng 7 năm nay đã diễn ra đại hội bóng đá nhằm tăng cường giao lưu với người Việt Nam đang sinh sống tại tỉnh. Sự kiện thu hút sự tham gia của khoảng 50 người đến từ đội bóng của Hiệp hội người Việt tại tỉnh Miyazaki, CLB bóng đá của trường THPT thuộc Đại học Miyazaki Nihon, các thành viên Hội phụ nữ của Hiệp hội doanh nghiệp thanh niên Miyazaki.
Hội người Việt tại Miyazaki cũng tổ chức các trận đấu với đội bóng nghiệp dư của tỉnh, góp phần đưa giải đấu trở thành sân chơi giao lưu giữa người dân hai nước. Các trận đấu đã chứng kiến tinh thần thể thao đẹp đẽ khi các cầu thủ hai bên giúp nhau đứng dậy sau mỗi lần ngã.
Ủy ban Giao lưu quốc tế thuộc Hiệp hội thanh niên quốc tế Miyazaki là đơn vị tổ chức giải đấu. Chủ tịch của Ủy ban Giao lưu quốc tế Kurata Takeshi cho biết: “Tôi rất vui mừng khi có thể mang lại cơ hội giao lưu giữa học sinh và người Việt Nam sống trong tỉnh. Trong tương lai, chúng tôi muốn tăng cường giao lưu để hướng tới một thành phố đáng sống cho người nước ngoài.”
Sự hợp tác lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút nhiều hơn người Việt Nam muốn làm việc tại tỉnh cũng như giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đưa hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với tỉnh Miyazaki.