Phỏng vấn được thực hiện bởi phóng viên Kaneko Akihisa và phóng viên Bartenstein Nagaoka Kai của đài truyền hình Nara, được đăng trên chuyên mục đặc biệt của NHK. Bấm vào đây để xem bài viết gốc.
Vào ngày xảy ra vụ việc, có 3 vị bác sĩ đã tiến hành điều trị cho cựu Thủ tướng tại hiện trường, trên trực thăng và tại bệnh viện trong vòng 5 tiếng rưỡi. Các bác sĩ đã đối mặt như thế nào với với vụ việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát – một vụ việc chưa từng có tiền lệ?
Chạy đến sau khi nghe thấy tiếng la hét
“Bị bắn rồi, bị bắn rồi”
Đó là lúc 11 giờ 30 phút hơn, ngày 8 tháng 7, chỉ hai ngày trước cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản. Khi đang chuẩn bị kết thúc ca khám bệnh vào buổi sáng, tôi đã nghe thấy tiếng la hét. Phòng khám của bác sĩ Nakaoka Shingo nằm ở cửa Bắc của ga Kintetsu Yamato-Saidaiji, là ga trung chuyển nối giữa Osaka, Kyoto và Nara.
Vì muốn xác nhận xem đã có việc gì xảy ra nên bác sĩ Nakaoka đã chạy ra bên ngoài tòa nhà.
Một đám đông người xúm lại ở giữa phần đường dành cho người đi bộ. Đập vào mặt bác sĩ là hình ảnh cựu Thủ tướng Abe bị ngã nằm ngửa. Khuôn mặt trắng bệch, hình như đã mất đi ý thức. Dù đã lên tiếng gọi nhưng ông không có phản ứng gì.
Các y tá chạy đến hiện trường cùng với bác sĩ Nakaoka lúc đó đã cùng tiến hành xoa bóp tim. Sử dụng máy khử rung tự động bên ngoài (hay còn gọi là máy AED, được sử dụng để điều chỉnh nhịp tim bằng cách gây sốc điện) mang theo, bác sĩ đã gắn máy vào cơ thể của ông. Tuy nhiên, dù đã thao tác đúng trình tự nhưng máy không hoạt động. Máy AED sẽ hoạt động trong trường hợp gây sốc điện có hiệu quả, nhưng nếu tim đã ngừng đập thì máy sẽ không hoạt động.
Khi quan sát cử động của lồng ngực, bác sĩ Nakaoka nhận thấy hình như cựu Thủ tướng Abe đã không còn thở tự nhiên.
Lúc đó tôi cảm thấy ông ấy đang ở trong tình trạng tương đối nghiêm trọng. Dù không biết được vị trí và mức độ nặng nhẹ của vết thương, nhưng có thể thấy súng bắn đã làm tổn thương các mạch máu và nội tạng. Ông ấy ở trong trạng thái cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức, tôi đã chờ xe cấp cứu đến trong tâm trạng cầu khẩn.
Bác sĩ Nakaoka Shingo - người có mặt tại hiện trường
“ Ông ấy đã bị bắn từ phía sau.”
“Hãy tránh xa khỏi chỗ này.”
“Xe cấp cứu sắp đến rồi.”
Giữa sự náo loạn của những tiếng nói xáo trộn, nhóm bác sĩ Nakaoka vẫn tiếp tục xoa bóp tim.
“Xin hãy đến ngay lập tức”
Theo bản ghi âm của bộ đàm cứu hỏa của Sở cứu hỏa thành phố Nara, xe cấp cứu đã được yêu cầu xuất phát vào lúc 11 giờ 32 phút sáng.
Ba phút sau, bản ghi âm lưu lại một số trao đổi như “có một người đàn ông cao tuổi đã bị bắn bằng súng, hiện đang trong trạng thái CPA (ngừng tim phổi)”, ”xin hãy đến ngay lập tức”.
Vào lúc 11 giờ 43 phút, cựu Thủ tướng Abe đã được đưa lên xe cấp cứu có mặt tại hiện trường.
Trong khi các biện pháp cấp cứu như đặt nội khí quản được thực hiện, xe cứu thương di chuyển đến địa điểm hạ cánh của trực thăng.
Yêu cầu xuất phát trực thăng y tế
Cùng lúc đó, trực thăng y tế của tỉnh Nara đã nhận được yêu cầu xuất phát.
Căn cứ của chiếc trực thăng được đặt tại Trung tâm y tế đa khoa Minami Nara (Minami Nara General Medical Center) ở thị trấn Oyodo thuộc tỉnh Nara, cách hiện trường khoảng 30 km về phía Nam. Ngày hôm đó là phiên trực trực thăng của bác sĩ Ueyama Toru thuộc khoa cấp cứu.
Phi công đã báo cáo rằng “một người đàn ông cao tuổi ngừng tim phổi do trúng đạn”.
Bác sĩ Ueyama cùng các y tá đã xếp các thiết bị y tế dùng hồi sức cấp cứu, sau đó trực thăng đã cất cánh để đi đế địa điểm hạ cánh cách hiện trường khoảng 1 km.
Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên trực thăng y tế vận chuyển người bị thương do đạn bắn kể từ khi dịch vụ trực thăng y tế của tỉnh Nara bắt đầu. Thực ra, tôi chưa được nghe ai nói một cách chính thức rằng người bị thương là cựu Thủ tướng Abe. Không có chuyện tôi thay đổi cách đối ứng chỉ vì ông ấy là người quan trọng. Trong máy bay trực thăng, tiếng ồn rất lớn nên không thể dùng ống nghe một cách hiệu quả, ngoài sự rung lắc dữ dội thì chuyển động cũng bị hạn chế do phải thắt dây an toàn. Tôi đã dự đoán là sẽ rất khó để đối ứng.
Bác sĩ Ueyama Toru - người có mặt trên trực thăng y tế
Điểm hẹn là di tích cung điện Heijo
Vào lúc 11 giờ 52 phút sáng, trực thăng đã đến địa điểm hạ cánh là di tích cung điện Heijo của kinh đô thời Nara. Nơi này là một trong những di sản thế giới.
Nhìn xung quanh có thể thấy mọi người vẫn đi dạo và chạy bộ như thường lệ.
Năm phút sau, vào lúc 11 giờ 57 phút, xe cấp cứu chở cựu Thủ tướng Abe đã đến.
Bác sĩ Ueyama xác nhận tình trạng của cựu Thủ tướng Abe, trước tiên là thử đảm bảo đường truyền nước.
Tuy nhiên, tình hình nghiêm trọng hơn dự đoán. Huyết áp đột nhiên thấp dần, không thể đưa kim luồn vào mạch máu một cách trơn tru được. Nếu không đảm bảo được đường truyền thì sẽ không thể sử dụng các loại thuốc dùng để hồi sức cấp cứu như adrenaline.
Ông ấy hoàn toàn mất ý thức và tôi cũng không thể xác định được ven. Truyền tĩnh mạch cũng không được nên tôi đã dùng phương pháp khác, đó là đưa mũi tiêm vào xương và truyền dịch vào tủy sống.
Bác sĩ Ueyama Toru - người có mặt trên trực thăng y tế
Không tìm thấy vết thương
Điều khó hơn nữa là xác định được vị trí của vết thương gây ra bởi súng.
Lúc đó từ hiện trường hỗn loạn chỉ có thông tin “cựu Thủ tướng Abe hình như đã bị bắn từ đằng sau”.
Khoảng cách đến địa điểm vận chuyển là bệnh viện Đại học Y Nara rơi vào khoảng hơn 20 km. Trong khoảng 10 phút ít ỏi trước khi tới nơi, cần phải xác định vị trí trúng đạn và bàn giao cho đội ngũ y bác sỹ đang chờ tại bệnh viện.
Tại thời điểm đó, không có thông tin nào về việc súng đã nổ mấy phát hay loại súng nào đã được sử dụng. Vì có người nói rằng bị bắn từ phía sau nên tôi đã đưa tay ra phía sau lưng nhưng không thấy chảy máu, cũng không tìm thấy vết thương. Những việc có thể làm trên trực thăng bị giới hạn, nhưng nếu đến bệnh viện thì có thể phẫu thuật, nên tôi đã nghĩ công việc quan trọng nhất của mình là phải xác định được vị trí của viên đạn để giúp đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện.
Bác sĩ Ueyama Toru - người có mặt trên trực thăng y tế
Bác sĩ Ueyama là người đã có kinh nghiệm điều trị vết thương do đạn bắn. Trong khoang máy bay đang lắc lư, bác sĩ quan sát toàn bộ cơ thể, cuối cùng cũng tìm được vết thương.
Vết thương không phải ở phía sau lưng, mà nó nằm ở phía trước của cơ thể. Có 2 vết thương ở cổ và 1 vết thương ở vai trái. Vị trí vết thương đã được xác định chỉ hai phút trước khi trực thăng đến bệnh viện.
Vào lúc 12 giờ 20 phút trưa, trực thăng đã đến bệnh viện.
Việc điều trị được bàn giao cho đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện.
Vết thương đã đi vào đến tận tim
Phụ trách phẫu thuật là một đội ngũ y bác sĩ, trong đó phải kể đến giáo sư Fukushima Eiken – bác sĩ khoa cấp cứu.
Chiếc giường di động chở Thủ tướng Abe được đưa xuống tầng 1 của bệnh viện bằng thang máy, sau đó được đưa vào phòng điều trị của Trung tâm Cấp cứu – Hồi sức tích cực. Nơi đây tiếp nhận gần 2000 bệnh nhân mỗi năm, là “pháo đài cuối cùng” của dịch vụ hồi sức cấp cứu tại tỉnh Nara.
Bác sĩ Fukushima đã nhận yêu cầu tiếp nhận bệnh nhân vào lúc 11 giờ 58 phút sáng. Trong khoảng 20 phút trước khi trực thăng đến, bác sĩ Fukushima đã huy động nhân sự và chuẩn bị lượng máu cần thiết cho việc truyền máu.
Có thông tin cho biết bệnh nhân đang trong tình trạng tim phổi ngừng hoạt động do trúng đạn, lúc đó tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một ca phẫu thuật đầy khó khăn. Đầu tiên phải tiến hành hồi sức cấp cứu, vì vậy tôi bố trí nhiều nhân viên nhất có thể và chuẩn bị cho việc truyền máu để sẵn sàng cho cuộc phẫu thuật.
Bác sĩ Fukushima Eiken - người thực hiện ca phẫu thuật
Nhóm nhân viên khoảng 10 người được tập trung ngay lúc đó đã cùng bác sĩ Fukushima đã bước vào phòng phẫu thuật. Say khi xác định được bộ phận đang xuất huyết, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật mở ngực để cầm máu.
Đã gần 1 tiếng trôi qua kể từ khi vụ việc xảy ra. Đường hô hấp đã được duy trì và máy hô hấp nhân tạo đã được lắp đặt để hồi sức.
Các mạch máu và nội tạng chịu tổn thương ở mức độ nào? Nếu muốn làm cho tim đập trở lại thì trước tiên phải cầm máu.
Tuy nhiên, việc điều trị vô cùng khó khăn. Khi mở lồng ngực ra, có thể thấy vết thương không chỉ ở mạch máu mà nó đã lan đến tim. Huyết áp giảm mạnh, máu mất ngay sau khi được truyền. Máy bơm tự động không đủ để bắt kịp tốc độ mất máu nên các bác sĩ và y tá phải thay phiên nhau bơm máu thủ công.
Những vết thương chảy máu do đạn bắn thường rất to, do tai nạn nên sẽ phần bụng sẽ có những vết bầm tím, vì đã từng có kinh nghiệm điều trị nên tôi biết lần này kiểu vết thương khác. Lần này phần trúng đạn lại là phần ngực có mạch máu to nên việc cầm máu trở nên rất khó khăn.
Bác sĩ Fukushima Eiken - người thực hiện ca phẫu thuật
Khoảng 13 lít máu đã được sử dụng trong ca phẫu thuật, tương đương với lượng máu toàn cơ thể của 3 người đàn ông trưởng thành. Nguồn cung ở trường đại học không đủ nên bệnh viện đã phải yêu cầu Trung tâm máu Chữ thập Đỏ gửi thêm màu.
Tổng số nhân viên tham gia vào cuộc cuộc phẫu thuật lên đến 41 người, trong đó có hơn 20 bác sĩ. Mọi người đã có thể xử lý máu chảy ra từ các mạch máu lớn, nhưng nhịp tim vẫn chưa phục hồi.
Quyết định ngừng điều trị
Cuộc phẫu thuật đã kéo dài được hơn 4 tiếng. Vào lúc 5 giờ kém chiều, phu nhân Akie đã tới bệnh viện. Lúc này tại phòng điều trị, đội ngũ y bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định khó khăn về việc có nên tiếp tục điều trị hay không.
Nếu như bệnh nhân không có phản ứng với các biện pháp hồi sức, không có khả năng hồi sức dù tiếp tục điều trị thì đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định ngừng điều trị. Để đưa ra quyết định này, không chỉ cần có nhận định của bác sĩ, mà còn phải nhận được sự thấu hiểu của gia đình. Đối với lần này, tôi được biết tin gia đình sẽ đến bệnh viện nên đã tiếp tục điều trị đến lúc đó. Sau khi giải thích với gia đình và nhận được sự cảm thông từ họ, tôi đã quyết định cho ngừng điều trị.
Bác sĩ Fukushima Eiken - người thực hiện ca phẫu thuật
Thông tin cựu Thủ tướng Abe qua đời đã được xác nhận vào lúc 5 giờ 3 phút chiều. Khoảng 5 tiếng rưỡi đã trôi qua kể từ khi vụ việc xảy ra.
Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với khủng bố
Các bác sĩ đã cố gắng cứu lấy sự sống bằng mọi cách. Nhìn lại sự việc, các bác sĩ cũng đã về những bài học kinh nghiệm rút ra được.
Bác sĩ Ueyama Toru – người đã vận chuyển và điều trị cho cựu Thủ tướng Abe trên máy bay trực thăng – cảm thấy việc đảm bảo sự an toàn của người bị thương đang được vận chuyển và các nhân viên y tế hoạt động tại hiện trường và là cả một vấn đề.
Khi tôi xuống khỏi máy bay trực thăng tại bãi đáp, xung quanh có những người bình thường đang đi bộ và chạy bộ, tôi cảm thấy ai cũng có thể tiếp cận mình trong tình huống đó. Nếu là một nhóm tội phạm, có khả năng họ sẽ nhắm vào bãi đáp trực thăng, gây trở ngại cho việc vận chuyển. Vì vậy, tôi nghĩ việc đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế và hạn chế số người ra vào là điều vô cùng cần thiết.
Bác sĩ Ueyama Toru - người có mặt trên trực thăng y tế
Mặt khác, bác sĩ Fukushima Eiken – người thực hiện ca phẫu thuật tại bệnh viện – cảm thấy hệ thống y tế chưa được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với các sự cố liên quan đến súng và khủng bố. Ông chỉ ra rằng cần phải chuẩn bị tư thế sẵn sàng trong thời gian tới.
Lý do là vì trong vụ việc lần này, một dấu vết trông như của đạn bắn được tìm thấy trên bức tường của bãi đậu xe gần hiện trường, có khả năng một số người đã nghe diễn thuyết ở hiện trường đã bị thương.
Khoan nói về nước ngoài, Nhật Bản bây giờ không thể nói là đã có dự tính đầy đủ về việc có nhiều người bị thương do súng bắn. Tôi nghĩ từ giờ chúng ta cần phải suy nghĩ xem cần chuẩn bị về y tế như thế nào trong những trường hợp như thế.
Bác sĩ Fukushima Eiken - người thực hiện ca phẫu thuật
Tất cả đều cảm thấy tiếc nuối
Ba vị bác sĩ đã đồng ý trả lời phỏng vấn của chúng tôi – những người muốn ghi lại hoạt động của những bác sĩ đã làm tất cả mọi thứ để cứu người.
Điểm chung của họ là “cảm giác tiếc nuối” vì đã không cứu được một sinh mạng vô cùng quý giá.
Sự việc lần này đã gây ra chấn động lớn trong xã hội, và mỗi vị y bác sĩ đều có những cảm xúc phức tạp về vụ việc lần này.
Mặc dù vậy, các bác sĩ vẫn đồng ý ghi hình. Chắn hẳn các bác sĩ đều thấy việc đứng trước máy quay và để lại lời khai về việc mình đã đối mặt với vụ việc như thế nào là một việc làm có ý nghĩa.
Bác sĩ Fukushima đã kết thúc cuộc phỏng vấn kéo dài 2 tiếng đồng hồ bằng những lời lẽ như để tự thuyết phục chính mình.
Đó là một kết quả vô cùng đáng tiếc, nhưng không có cách nào để ngăn chặn, nên tôi nghĩ từ giờ dù sao cũng phải tiếp tục hướng về phía trước và bước tiếp.
Bác sĩ Fukushima Eiken - người thực hiện ca phẫu thuật
Nguồn: NHK