Trong giao tiếp, người Nhật luôn để ý đến trạng thái tâm lý của người nghe để điều chỉnh lời nói của mình, vậy nên việc sử dụng lời khen là điều cực kỳ phổ biến. Kể cả trong tình huống chê, người Nhật sẽ mào đầu bằng những lời khen và đánh giá tích cực để vớt vát thể diện cho người bị chê. Quy định giao tiếp bất thành văn này được người Nhật áp dụng bằng 12 cách – bao gồm 3 cách khen trực tiếp và 9 cách khen gián tiếp, được sử dụng cho các tình huống và đối tượng khác nhau. 12 cách khen này có gì khác nhau và được dùng với cấu trúc câu như thế nào? Hãy xem ngay các chiến lược khen trong tiếng Nhật để giao tiếp hiệu quả hơn bạn nhé!
Bạn có thể lưu lại những hình dưới đây để luyện tập nhé!
Hành vi khen trực tiếp
1. Sử dụng động từ ngữ vi
Sử dụng các động từ ngữ vi như: khen, ngưỡng mộ, khâm phục,.. Động từ ほめる (khen) hiếm được dùng hơn mà thường được thay bằng「感心」(cảm phục)、「感激」(cảm kích), 「感動」(cảm động). Tuy nhiên, cách khen này không quá thông dụng.
Cấu trúc câu:
[S (người nói) が] + động từ ngữ vi
Ví dụ:
- 校長としてAさんの学習成績を表彰します。
Với tư cách hiệu trưởng nhà trường, tôi biểu dương thành tích học tập của em A. - 我々は彼女の勇気に感心する。
Chúng tôi khâm phục lòng dũng cảm của cô ấy.
2. Sử dụng tính từ cho đối tượng
Cách khen trực tiếp thứ 2 sử dụng các tính từ để đánh giá về ngoại hình, năng lực, tính cách,… của đối tượng giao tiếp hoặc những gì thuộc về họ/gia đình của họ.
Cấu trúc câu:
A (đối tượng khen) は H (từ đánh giá/tính từ) である。
※ Dùng để đánh giá về một tính chất, thuộc tính của đối tượng khen
Ví dụ:
- 今日の部長のネクタイ、素敵ですね。
Cà vạt của trường phòng hôm nay đẹp quá! - ご主人は親切ですね。
Chồng của chị chu đáo ghê.
3. Sử dụng tính từ cho sự vật
Cách khen trực tiếp thứ 3 sử dụng các tính từ để đánh giá một sự kiện, sự vật,… có mối liên quan trực tiếp đến người được khen.
Cấu trúc câu:
A (đối tượng khen) が H (từ đánh giá) でした。
※ Dùng để miêu tả lại một sự thật khách quan về đối tượng khen
Ví dụ:
- 先輩、今日の試合、いい試合でしたね。
Tiền bối, trận đấu hôm nay quả thật rất hay. - 言葉にできないほど美味しかったです。
Món ăn này ngon tới mức không thể diễn tả bằng lời.
Trong thực tế, hành vi khen gián tiếp được sử dụng nhiều hơn khen trực tiếp và cách biểu đạt cũng phong phú hơn. Tổng cộng có 9 kiểu tất cả.
Hành vi khen gián tiếp
1. Nêu lên trạng thái của chủ thể khen
興味深く拝聴しました。
Tôi đã lắng nghe một cách đầy hứng thú.
2. Nêu lên tình cảm của chủ thể khen
私はサトシのこの友情の現われに、いたく感動した。
Tôi vô cùng xúc động trước tình bạn này của Satoshi.
3. Thể hiện niềm hứng thú, ước vọng bằng cách dùng từ cảm thán
いいなあ
Hay quá!
うらやましい
Ghen tị quá!
私もほしい
Tôi cũng muốn có…
4. Biểu thị sự quyết tâm, cố gắng
私も先生のような人間になれるよう頑張ります。
Em sẽ cố gắng để trở thành người như thầy.
5. Cảm ơn
おかげ様でいい大学に入れました。
Nhờ có cô mà em đã đỗ vào một trường đại học tốt.
6. Nêu lên trạng thái của người thứ 3
みんなも興味を持ちました。
Mọi người đều có hứng thú.
この傘は流行しています。
Chiếc ô này đang thịnh hành.
7. Đặt câu hỏi
その傘、どこで買われましたか。
Chiếc ô đó chị mua ở đâu vậy?
8. An ủi, vỗ về
大変だったでしょう。
Khó khăn lắm, phải không nào?
9. Nhờ vả
これからもよろしくお願いします。
Từ giờ mong được anh/chị chiếu cố.
Nguồn bài viết: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ CỦA HÀNH VI KHEN TRONG TIẾNG NHẬT. Tác giả Ngô Hương Lan.
Dẫn theo Trang web Nghiên cứu Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu ĐBA: http://cjs.inas.gov.vn/
(HONTO đã xin phép và nhận được sự đồng ý).