Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

Chia sẻ về khủng hoảng tâm lý ở Nhật Bản

"Chị cũng đã từng có giai đoạn 'chống đối' văn hóa Nhật Bản." - Chị Bế Minh Nhật chia sẻ với HONTO TV.

Những nỗi lo của người phụ nữ

Chị lo sợ mình sẽ trở nên giống người Nhật, mất đi những cái riêng của mình, của một người Việt. Chị đã rất không thích sự “thảo mai” của họ, đã không thể hiểu nổi việc khi từ chối ai đó thì phải xoa dịu họ trước, không thích kiểu nói chuyện loằng ngoằng, không thích văn hoá phụ nữ ở nhà còn đàn ông đi làm,… 

Là phụ nữ, nên chị cũng khá sốc khi sang Nhật và thấy phụ nữ không đi làm, không tham gia các hoạt động xã hội nhiều nữa, nhất là sau khi kết hôn. Thực ra thì ở Nhật, phụ nữ từ ngày xưa hay ở thời Minh Trị cũng đi làm nhiều, trong các công xưởng, nhà máy. Nhưng khi nền kinh tế phát triển, lương của một người đàn ông đủ nuôi cả gia đình thì người phụ nữ có xu hướng đi làm ít đi và chăm sóc gia đình nhiều hơn. Các chính sách thuế và an sinh xã hội của Nhật, được tính trên thu nhập của hộ gia đình, một ý tưởng cũng khá thú vị trong khoa học chính sách, lại vô tình khiến nhiều phụ nữ Nhật và cả phụ nữ nước ngoài ở Nhật có suy nghĩ mình nên hạn chế thời gian đi làm để hưởng chế độ. Họ nghĩ rằng nếu mình đi làm toàn thời gian thì sẽ gây ảnh hưởng đến tổng thu nhập sau thuế của cả gia đình. Tất nhiên, đây là quyết định khôn ngoan của những người phụ nữ giỏi tính toán chi tiêu và quản lý tài chính gia đình. Nhưng điều này lại có thể đem lại những hệ quả xã hội khá lớn, như vấn đề bất bình đẳng giới trong việc làm và thu nhập..

Ở Việt Nam, thời chiến tranh, đàn ông ra chiến trường và phụ nữ đi làm, nên nhìn chung việc phụ nữ tham gia lao động sản xuất cũng không có gì là lạ lẫm. Những năm gần đây kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, tốc độ đô thị hóa cao, quy mô gia đình thu hẹp lại, gánh nặng về lao động sản xuất và chăm sóc gia đình dồn cả lên vai người phụ nữ. Thêm vào đó, việc nuôi dạy trẻ nhỏ ở Việt Nam trước đây, như thời chị em mình còn nhỏ chẳng hạn, được hỗ trợ bởi “cả làng”. Bố mẹ đi đâu vài ngày, trẻ nhỏ có thể được đem gửi ở một người họ hàng hoặc hàng xóm gần đó. Nhưng với quá trình đô thị hoá và thu hẹp quy mô cộng đồng, những sự hỗ trợ này đang dần mất đi. Chị lo lắng rằng với những thay đổi đó, phụ nữ Việt Nam cũng sẽ dần làm việc ít đi, và phụ thuộc tài chính vào người đàn ông nhiều hơn. Và càng lo lắng hơn khi chúng ta có thể thấy xu hướng này đã được chứng minh bởi lịch sử và một số nước phát triển khác. Nhưng lý thuyết là như vậy, còn trên thực tế, chúng ta vẫn có thể cân bằng được công việc và gia đình, và khi sang Nhật, những người phụ nữ Việt sẽ là “lực lượng cách mạng”, vẫn chăm chỉ làm việc và chăm sóc gia đình, và góp phần vào làn sóng bình đẳng giới đang diễn ra ở Nhật Bản nhỉ? (cười).

Tinh thần "nghệ nhân" của người Nhật

Ngoài những “phàn nàn” ra thì chị thấy nhiều nét văn hoá Nhật Bản rất thú vị. Chị bị ấn tượng bởi cách người Nhật tìm hạnh phúc trong những việc nhỏ, với tinh thần “nghệ nhân” (職人精神) trong bất kỳ công việc nào của họ, dù đó có là những công việc đơn giản nhất đi nữa.

Có những lúc chị đã từng rơi vào tình trạng không hiểu mình đang làm gì, vì mục đích gì, việc mình làm có ý nghĩa gì với xã hội này không. Những lúc đó chị nhìn thấy những người “nghệ nhân” của Nhật như nghệ nhân sushi, người thợ mộc. Chị thấy mọi người đều hạnh phúc và tỉ mỉ với công việc của mình. Họ rất thích thú với việc làm sao để cắt được những lát cá đều nhau, dán được những miếng giấy phẳng và gần nhưng không có kẽ hở, xếp bát đũa ngay ngắn gọn gàng và có trật tự, lau dọn sạch sẽ mọi thứ khi hết một ngày làm việc,… mà họ chẳng cần một lý do gì cả.

Chị đã từng có lúc nghĩ rằng phải làm những việc to tát mới là hạnh phúc, mới là có ý nghĩa với cuộc đời này, mới là một người có ích và được mọi người nhớ mặt nhớ tên. Và có lúc chị cũng hơi lạc lối với suy nghĩ đó (cười). Nhưng nghĩ kỹ lại, đôi khi chỉ cần dọn dẹp nhà mình thật sạch sẽ thôi cũng đã rất hạnh phúc rồi. Kể từ khi phát hiện ra sở thích dọn dẹp của mình, chị không còn hào hứng với các loại robot hút bụi hay lau nhà gì gì nữa. Nhiều lúc chị nghĩ rằng mọi người đều hướng tới sự tiện lợi mà đôi khi quên mất rằng nếu chúng ta tự mình làm được một cái gì đó, bất kỳ cái gì, chúng ta đều cảm thấy hài lòng hơn. Hạnh phúc đến từ những hành động rất nhỏ, từ việc hoàn thành được những việc nho nhỏ trong cuộc đời. Trong văn hoá Nhật cũng có nhiều cách nói rằng chỉ cần có chút quan tâm, chút tỉ mỉ nữa (一手間) thì mọi thứ đều trở nên có ý nghĩa hơn.

Khi chị làm tư vấn tâm lý và nghe về những trải nghiệm của mọi người với trầm cảm, chị cảm nhận rất rõ điều này. Nhiều khi chúng ta vì quá lo lắng về những thứ to lớn, những thứ phi thường, những thứ như chúng ta sẽ là ai trong tương lai, chúng ta sẽ để lại gì cho lịch sử hay cho cuộc đời mà có lúc chúng ta có thể nằm bẹp trên giường tới vài ngày, không thiết ăn ngủ và bị nhấn chìm trong vô số suy nghĩ tiêu cực. Khi ấy chị cũng nhận ra rằng, làm, làm được và làm đẹp những việc nhỏ thôi cũng vô cùng khó. Có những ngày để nhấc tay lên đi lau nhà, đi giặt quần áo thôi cũng là việc vô cùng mệt mỏi và khó khăn. Chính vì thế mà chị rất trân trọng những nỗ lực của những người xung quanh mình đối với mọi việc, đặc biệt là những việc nhỏ bé.

Bạn có thể nghe chị Nhật chia sẻ nhiều hơn về công việc và cuộc sống ở Nhật trên kênh YouTube HONTO TV.

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review