Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

Mặt tối của thực tập sinh kỹ năng và gốc rễ của sự gia tăng tỷ lệ tội phạm Việt Nam tại Nhật Bản

Khi số lượng người Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng lên nhanh chóng, số người Việt Nam phạm tội cũng gia tăng. Đâu là gốc rễ của những hành vi phạm tội?

Đi đôi với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người Việt Nam làm việc tại Nhật, số lượng người Việt Nam phạm tội cũng gia tăng. Vậy, theo đại diện của tổ chức phi lợi nhuận (NPO) hoạt động để bảo vệ người dân Việt Nam, đâu là “thực tế khắc nghiệt” mà các thực tập sinh phải đối mặt – gốc rễ của những hành vi phạm tội?

Khoảng 5000 người bỏ trốn - tình trạng thôi việc, nợ lương tràn lan

Vào năm 2019, số lượng người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã vượt qua người lao động Trung Quốc. Con số đã tăng lên khoảng 450.000 người tính đến tháng 10 năm 2021 (theo số liệu của Bộ Y Tế, Lao động và Phúc lợi). Nguyên nhân là do số lượng lao động Trung Quốc dự báo sẽ giảm do ảnh hưởng của phát triển kinh tế tại Trung Quốc và đồng yên mất giá, trong khi đó Nhật Bản đã tích cực tiếp nhận thực tập sinh đặc định Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo điều tra của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, số người nước ngoài đến Nhật Bản bị bắt vào năm 2021 là 1908 người, con số cao nhất trong hai năm liên tiếp.

Số lượng người Việt tại Nhật ngày càng gia tăng - Ảnh: MBS
Số lượng người Việt tại Nhật ngày càng gia tăng - Ảnh: MBS

Tại sao tình trạng người Việt phạm tội cứ liên tiếp diễn ra?

Chúng tôi đã phỏng vấn bà Yoshimizu Jihou, đại diện của NPO, Hiệp Hội hỗ trợ Nhật Bản – Việt Nam Tomoiki, người sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động bảo hộ những người Việt Nam bị mất việc làm và chỗ ở. Bà cho rằng gốc rễ của tội ác là vì thực tập sinh phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt.

Xét cho cùng, các bạn thực tập sinh ngay từ đầu đã ôm một khoản nợ lớn để đến Nhật, làm việc không suôn sẻ thì không được trả lương nên phải trốn ra ngoài. Để trả được số nợ đó, cho dù rủi ro, họ cũng sẽ chấp nhận trốn ra ngoài “đi bộ đội” để kiếm tiền. Tôi gọi họ là ”mogura-san” (もぐらさん). Họ giống như những con chuột chũi phải hoạt động ngầm và làm việc xấu. Tình trạng này đang diễn ra khắp nơi.

Thực tập sinh Việt Nam khi đến Nhật Bản sẽ vay khoảng 500.000 yên (~100.000.000 đồng) để trang trải chi phí đi lại và học phí. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Corona, tình trạng bị cho cho thôi việc và không trả lương diễn ra tràn lan, dẫn đến số người trốn ra ngoài mỗi năm khoảng 5000 người.

Bà Yoshimizu hầu như ngày nào cũng nhận được tin nhắn cầu cứu từ người lao động Việt Nam.

“Đầu tiên, họ nhắn với tôi rằng “cô ơi giúp cháu với”.”

Bà Yoshimizu đang tạm thời chăm sóc những người này trong các căn nhà trú ẩn (khi có thiên tai), giúp họ về nước và tìm công việc mới.

Ở lại Nhật quá hạn sau khi nghỉ việc do công việc gặp khó khăn

Chị Hồ Thị Ly (32 tuổi) cũng là một trong những người được bà Yoshimizu giúp đỡ. Nghe nói chị nghỉ việc vì gặp rắc rối với một đồng nghiệp ở nhà máy sản xuất đồ ăn, khoảng 5 ngày trước chị ấy hết tiền và ở lại qua đêm tại một tiệm giặt đồ ở Tokyo.

Khi bà Yoshimizu đến đón, thời hạn lưu trú của chị Ly đã hết. Chị ấy thậm chí còn không có hộ chiếu và các giấy tờ tùy thân khác. Với sự giúp đỡ của bà Yoshimizu, chị đã xin được visa ngắn hạn. Tuy nhiên, việc tìm một công việc mới cho người có tiền sử lưu trú quá hạn là rất khó, chị ấy không có lựa chọn nào khác là phải về nước.

Chị Ly chia sẻ: “Tôi thực sự muốn sống ở Nhật Bản, nhưng tôi sắp phải về nước. Tôi muốn sống ở Nhật. Vì ở Nhật, tôi có thể làm bất cứ điều gì. Nhật Bản an toàn, không nguy hiểm. Mọi thứ đều rất tiện lợi.”

Chị Ly đã để lại hai đứa con ở Việt Nam và sang Nhật để kiếm tiền. Nếu bà Yoshimizu không phát hiện ra, khả năng cao là cô ấy cũng đã làm việc bất hợp pháp.

Bà Yoshimizu cho rằng: “Cần tạo ra một bộ Luật để việc hỗ trợ được đảm bảo.”

Nếu số lượng những đối tượng này tăng lên, chính phủ cần xem xét cẩn thận các điều khoản và đưa ra Luật pháp để đảm bảo họ được nhận hỗ trợ đầy đủ. (Trong trường hợp của chị Ly) Vì tôi đã giúp được cô ấy nên không sao, nếu không được thì có khả năng cô ấy sẽ nghĩ đến cái chết.

Thực tập sinh sang Nhật Bản với danh nghĩa là “lao động giá rẻ” với lý do chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, một nửa số lao động đó lần lượt bỏ trốn và tự biến mình thành tội phạm. Điều này cho thấy chính hệ thống này có sai sót.

Nguồn: MBS
Bài viết gốc

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review