Số người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản đều tăng lên mỗi năm. Cho đến năm 2020, trong suốt 8 năm, số người Việt ở Nhật năm sau cao hơn năm trước, luôn đạt mức kỷ lục trong suốt 8 năm. Người nước ngoài ở Nhật gia tăng, các vụ rắc rối do người nước ngoài gây ra cũng tăng theo. Những năm gần đây, một số vụ như trộm gia súc, thường xuyên xảy ra và bị nghi ngờ là có sự dính líu của các nhóm tội phạm người nước ngoài. Bài báo này xin được đề cập tới tình hình tội phạm người nước ngoài, với ví dụ là các nhóm tội phạm người Việt, một cộng đồng được coi là gia tăng mạnh nhất trong số các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật.
Các vụ rắc rối giữa người Việt tại Nhật
Tối muộn ngày 11/9/2022, một nam thanh niên người Việt (lúc gây án là 25 tuổi) đã đâm chết một người đàn ông khác cũng mang quốc tịch Việt Nam (57 tuổi), ngay trên đường tại thành phố Kawasaki, tỉnh Kanagawa.
Trước đó, khi ở trong quán nhậu, hung thủ đã bị nạn nhân nhắc nhở về thái độ và đôi bên có xảy ra xô xát. Tình hình có vẻ lắng xuống, nhưng căng thẳng trở lại khi cả hai ra ngoài đường. Sau đó, hung thủ đã lấy con dao mang theo người đâm vào ngực trái của nạn nhân, dẫn đến tử vong.
Các vụ án không chỉ có thế. Vài năm trở lại đây, vì người nước ngoài tại Nhật Bản tăng lên, nên không chỉ có các vụ phạm tội với người Nhật, mà các vụ án giữa các nhóm người nước ngoài cũng xảy ra thường xuyên hơn.
Vì sao lại xảy ra những vụ việc như vậy?
Ở Nhật Bản vẫn tồn tại những nhóm tội phạm người nước ngoài, mà người Nhật ít khi nhìn thấy. Chúng tôi muốn làm sáng tỏ ngóc ngách của xã hội Nhật Bản, bằng cách nhìn thẳng vào thực trạng này.
Những người Việt đến Nhật như cái vỏ vô hồn
Người Việt Nam đến Nhật được chia làm hai giai đoạn.
Đầu tiên là giai đoạn sau năm 1975, khi chiến tranh kết thúc. Sau Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, mà ở Việt Nam được gọi là Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc. Cuộc chiến tranh tại Việt Nam được coi là quy mô thu nhỏ của Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Miền Bắc Việt Nam với sự hậu thuẫn của các nước Cộng sản đã đánh bại quân của Việt Nam Cộng hòa do Mỹ ủng hộ, và giành chiến thắng.
Lúc đó, những người ủng hộ Mỹ ở miền Nam Việt Nam bắt đầu chạy ra nước ngoài để thoát khỏi áp lực của miền Bắc Việt Nam và trở thành người tị nạn. Hàng chục người chen chúc trên một con thuyền nhỏ chỉ đủ cho vài người. Họ chạy khỏi đất nước, nhưng nhiều người đã phải bỏ mạng vì thuyền bị lật, hay cướp biển tấn công.
Người tị nạn Đông Dương là chỉ những người tị nạn từ khu vực này, trong đó có Việt Nam, và người Việt tị nạn được gọi là thuyền nhân, hay là boat-people. Khi báo chí đưa tin về các thuyền nhân này, Nhật Bản đã quyết định tiếp nhận người tị nạn. Các cơ sở hỗ trợ được xây dựng tại tỉnh Kanagawa và tỉnh Hygo, đã tiếp nhận hơn 10.000 người.
Thế nhưng, việc tiếp nhận người tị nạn không phải là không có vấn đề. Phần lớn trong số đó đến Nhật mà không có tư trang gì, họ không có điều kiện học tiếng Nhật và hòa nhập vào xã hội Nhật Bản. Vì vậy, họ chỉ có thể nhận làm các công việc tay chân, dọn dẹp với giá rẻ mạt.
Các nhóm tội phạm là thế hệ thứ hai của người tị nạn
Những người tị nạn thế hệ đầu thường làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình, nhưng con cái họ lại vướng mặc cảm bị xa lánh. Thế hệ thứ hai của người tị nạn phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử từ người Nhật ở trường học hay chính nơi họ sống. Họ không thể chia sẻ với bố mẹ, và khó tìm được công ăn việc làm tốt khi trưởng thành. Cứ như vậy, 1 người rồi 2 người, họ dần dần lạc lối.
Và như vậy, xuất hiện băng nhóm tội phạm là thế hệ thứ hai của người tị nạn. Họ tập trung chủ yếu ở Tokyo, Kanagawa và Osaka, rồi bắt đầu làm ăn với chính cộng đồng người Đông Nam Á ở những khu vực này.
Thu tiền bảo kê ở quán rượu cho người nước ngoài, vận chuyển hàng lậu, móc nối lao động bất hợp pháp, mại dâm, buôn bán ma túy… Họ bắt đầu với những hoạt động dành cho người Đông Nam Á ở Nhật và cạnh tranh với các băng nhóm bạo lực.
Một người đàn ông Việt Nam thuộc băng nhóm tội phạm đã chia sẻ như sau.
Ở các thành phố lớn hoặc khu trung tâm, đều có các nhóm người Việt điều hành. Người nước ngoài thì tin tưởng người cùng quê với mình, hơn là yakuza hay cảnh sát người Nhật. Thế nên là dù làm ăn hay giải quyết tranh chấp thì người ta vẫn cứ tìm đến chúng tôi.
Người nước ngoài tăng, thì nhu cầu cũng tăng theo. Tuy nhiên, cũng có những người Việt sang Nhật theo con đường khác. Sau năm 1990, chủ yếu là những người sang Nhật để làm việc kiếm tiền. Hiện tại, có những người sang Nhật theo diện thực tập sinh kỹ năng, nhưng hầu hết đều xuất thân từ các gia đình nghèo khó ở miền Bắc Việt Nam. Họ sang Nhật làm việc trong vài năm để kiếm đủ tiền trả nợ ở Việt Nam, rồi họ về nước.
Thế nhưng, không phải ai cũng tiết kiệm đủ tiền và về nước đúng như dự định. Có những người mất tích do rắc rối ở cơ sở tiếp nhận thực tập sinh, có những người cư trú bất hợp pháp vì hết hạn visa, có người quyết định ở lại Nhật Bản. Và có cả những người phải “nhúng chàm” chỉ vì tiền.
Những khác biệt giữa hai miền Nam Bắc
Để bảo vệ chính mình, họ và những người cùng cảnh ngộ thường tập hợp lại thành một nhóm, cùng sinh sống và làm việc. Những người như vậy lại trở thành một nhóm tội phạm mới. Tức là có 2 nhóm tội phạm khác nhau. Một là nhóm tội phạm thế hệ con cháu của người Việt tị nạn đến Nhật Bản sau chiến tranh. Hai là nhóm tội phạm trẻ đến Nhật Bản từ sau năm 1990 để kiếm tiền. Điều phức tạp ở đây là tính chất mỗi nhóm lại khác nhau do khác biệt về thế hệ.
Một người đàn ông tị nạn sau chiến tranh đã chia sẻ như sau.
Chúng tôi đều xuất thân từ miền Nam Việt Nam và tị nạn đến đây. Tôi có cảm giác rằng chính chúng tôi mới là thế hệ đầu tiên có mặt ở Nhật Bản, chứ không phải thế hệ mới sang đây kiếm tiền. Miền Bắc và miền Nam có văn hóa khác nhau và những cách biệt về mặt lịch sử nữa.
Những người tị nạn sau chiến tranh thường tự hào rằng họ là thế hệ đầu tiên đã đổ bao mồ hôi nước mắt để gây dựng nên cộng đồng người Việt ở Nhật, mở rộng thị trường. Do đó, họ không có thái độ thiện cảm với nhóm người Việt xuất thân ở miền Bắc Việt Nam, nhóm người đến sau và thường phạm tội vì cư trú bất hợp pháp.
Hơn nữa, văn hóa và lịch sử của hai miền cũng có khác biệt lớn. So sánh này có lẽ hơi khập khiễng nhưng miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong giai đọa bị chia cắt cũng giống như Triều Tiên và Hàn Quốc hiện tại. Sau nhiều năm, họ khó mà cùng nhau làm gì đó ở một đất nước xa lạ.
Hình thức các băng nhóm cũng khác nhau đấy. Chúng tôi cùng sống trong một khu (khu vực tập trung nhiều người tị nạn) và đều là bạn từ nhỏ. Chúng tôi rất thân với nhau, thân hơn cả người trong gia đình nữa. Nhưng mấy người miền Bắc thì không như thế. Bọn họ có thể quen trên mạng xã hội rồi thân thiết nhau ngay nhưng chia tay cũng nhanh. Bọn họ kêu gọi nhau trộm cướp, làm điều xấu ở trên mạng, xong việc rồi thì lại giải tán. Dù gọi là băng nhóm nhưng mối quan hệ con người của chúng tôi khác hẳn bọn họ.
Băng nhóm tội phạm người nước ngoài không thể hòa hợp
Một bên là băng nhóm gồm những người theo gia đình tị nạn đến Nhật Bản và cùng sống, quen biết nhau ở các khu dành riêng cho người tị nạn tại Kanagawa và Hyogo. Bên còn lại là băng nhóm gồm những người không liên quan đến nhau, đến Nhật rồi quen biết nhau qua mạng xã hội. Như vậy, khác biệt là điều đương nhiên.
Tuy vậy, hai bên không nhất thiết là phải ghét nhau.
Nhóm người tị nạn sau chiến tranh điều hành các công ty phái cử nhân lực và quán rượu dành cho người nước ngoài. Họ vẫn thuê những người miền Bắc không có visa và đang cần việc làm.
Ngoài ra, nhóm người tị nạn sau chiến tranh sẽ là nhóm nắm quyền lực trong cộng đồng người Việt. Họ cấu kết với các băng đảng bạo lực của Nhật để buôn lậu ma túy hay tổ chức bài bạc, thậm chí là cả quỹ tín dụng đen dành cho người nước ngoài tại Nhật. Người miền Bắc vẫn thi thoảng tham gia những hoạt động phi pháp này với tư cách là khách hàng, theo người đàn ông trên chia sẻ.
“Tôi nghĩ mối quan hệ cũng không hẳn là thân thiết, nhưng nếu giúp được gì thì sẽ giúp. Ở Nhật, ngoài Việt Nam ra còn có băng nhóm tội phạm người Brazil, Trung Quốc, Nepal, nhiều lắm. Khi các bên đụng độ nhau thì chúng tôi lại đoàn kết là người Việt Nam. Tuy gần mà xa, tuy xa mà gần”.
Bài báo này tuy đề cập đến các băng nhóm tội phạm người Việt, nhưng có thể nói các băng nhóm tội phạm nước ngoài khác cũng tương tự.
Ví dụ như băng đảng Dragon, bao gồm những thành viên có bố mẹ từng là trẻ em Nhật bị bỏ rơi tại Trung Quốc sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Họ theo bố mẹ quay trở về Nhật Bản. Và băng nhóm tội phạm nhập cảnh bất hợp pháp khoảng những năm 1990 – 2000, nhờ móc nối với Đầu Rắn, một băng nhóm Trung Quốc buôn lậu người. Hai băng nhóm này hoàn toàn khác nhau.
Xét một cách tỉ mỉ, các băng nhóm tội phạm người nước ngoài có rất nhiều điểm khác nhau. Tùy vào thời điểm, hoàn cảnh mà họ hình thành mối quan hệ đối lập hay hợp tác. Đối với những người đến Nhật một cách đường hoàng, sinh sống và làm việc theo đúng luật pháp Nhật Bản, thì những băng đảng này rất phiền phức.
Thế nhưng, nếu không xem xét mối quan hệ phức tạp giữa các băng đảng này thì chúng ta khó lòng nhìn thấu được những vụ rắc rối do người nước ngoài gây ra mà báo chí vẫn thường đưa tin.