Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

7 nghi lễ vòng đời mà người Nhật trải qua

Trong đời, người Nhật sẽ trải qua Nghi lễ đặt tên, Nghi lễ cầu may, Nghi lễ Shichigosan, Nghi lễ thành nhân, Nghi lễ hôn nhân, Nghi lễ lên lão, Nghi lễ tang ma.

Nếu đây là lần đầu tiên bạn nghe qua các nghi lễ trên thì hãy nhấn vào từng hình để đọc và hiểu thêm về ý nghĩa cũng từng nghi lễ cũng như những biến đổi của chúng qua thời gian nhé!

1. Nghi lễ đặt tên

Nghi lễ đặt tên

Bên cạnh việc đặt tên, đây là nghi lễ thông báo với tổ tiên về việc ra đời của đứa trẻ và cầu cho đứa trẻ nhận được sự phù hộ. Nghi lễ được tổ chức long trọng, đặc biệt đối với những đứa con đầu lòng và được diễn ra vào đêm của ngày thứ 7 tính từ ngày đứa trẻ ra đời. Chủ trì nghi lễ là bà đỡ hoặc người đàn ông sống thọ gần nơi cư trú hoặc của nhà chùa. Khách khứa bao gồm thông gia bên ngoại, hàng xóm thân cận và một vài đứa trẻ cạnh nhà. Món ăn không thể thiếu trong ngày này là cơm đỗ đỏ mang ý nghĩa mong nhận được sự giúp đỡ của những người đến dự và là món quà cho thân nhân.

2. Nghi lễ cầu may

Nghi lễ cầu may

Sau 30 (hoặc 31 ngày), 51 ngày và 101 ngày kể từ khi đứa trẻ được sinh ra đời, gia đình sẽ tiến hành nghi lễ cầu may để đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của trẻ. Vào ngày này, trẻ được mặc y phục chúc mừng và được đưa đến đền làm lễ với mong muốn nhận được sự phù hộ và nhiều điều tốt đẹp từ thần linh. Sau đó, trẻ được đưa về nhà ông bà ngoại để nhận đồ mặc chúc mừng do bên ngoại chuẩn bị trước. Tiếp đó, nghi lễ diễn ra tại nhà với một bữa ăn thịnh soạn và khách mời là họ hàng thân thích. Mọi người sẽ chúc phúc và tặng quà cho trẻ.

3. Nghi lễ Shichigosan

Nghi lễ Shichigosan

Nghi lễ được tổ chức cho bé gái ở độ tuổi 3 và 7, bé trai ở độ tuổi 3 và 5 vì theo quan niệm của người Nhật, các số lẻ này là số may mắn. Vào ngày này, những đứa trẻ 3 tuổi sẽ lần đầu tiên được mặc kimono có thắt dây lưng với hoa văn, màu sắc đa dạng để đến đền thờ làm lễ để cầu sức khoẻ, may mắn và ngày càng lớn khôn cho đến tuổi trưởng thành. Ngoài ra, trụ trì sẽ làm lễ rửa tội (Oharai) để trừ tai ương, điềm xấu. Tiếp đó, trẻ sẽ được bố mẹ tặng kẹo bánh, đặc biệt là kẹo mơ (Chitose) – loại kẹo có 2 màu đỏ trắng thể hiện sự may mắn, lời cầu nguyện sức khoẻ, sự trưởng thành và mang ý nghĩa “nghìn năm”. Bánh kẹo sẽ được đựng trong túi vẽ hình hạc và rùa – biểu tượng của sự trường thọ.

4. Nghi lễ thành nhân (Seijinshiki)

Nghi lễ thành nhân

Nghi lễ này là một cột mốc rất quan trọng đối với người Nhật vì nó đánh dấu bước ngoặt trở thành người trưởng thành khi các công dân đủ 20 tuổi và có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của một công dân theo quy định luật pháp, đồng thời phải chịu mọi trách nhiệm với hành vi của mình trước xã hội.

Seijinshiki bắt nguồn từ một nghi lễ cổ xưa gọi là Genpuku của những gia đình quý tộc và Samurai. Từ thời kỳ Nara đến thời kỳ Heian lễ thành nhân được tổ chức cho nam giới (từ 13 – 16 tuổi), nữ giới (từ 12-14 tuổi). Đến thế kỷ XVI, nghi lễ thành nhân phổ biến tới mọi tầng lớp trong xã hội. Đối với nam giới, nghi thức bao gồm thay đổi kiểu tóc, trang phục, bỏ tên gọi lúc còn nhỏ, đặt tên mới (của người lớn). Nghi thức đối với nữ giới có phần đơn giản hơn khi họ chỉ từ bỏ những trang phục của trẻ nhỏ để vận những bộ trang phục của người lớn. Tới thời kỳ Edo xuất hiện nghi thức xác định một người đã trưởng thành bằng cách cắt đi phần tóc ở phía trước trán của họ. Tới thời Cận đại, độ tuổi thành nhân tăng lên từ 18 – 20 tuổi. Từ năm 1948, nghi lễ thành nhân được luật pháp quy định là ngày 15 tháng 1 đối với những người bước vào tuổi 20.

Tuy nhiên, từ năm 2000, luật pháp quy định lễ thành nhân được tổ chức vào thứ hai của tuần thứ 2 của tháng 1 hàng năm. Sở dĩ có sự thay đổi này là dựa vào “Thể chế ngày Thứ Hai vui vẻ”, cho phép chuyển một số ngày lễ sang Thứ Hai kết hợp với Thứ Bảy và Chủ Nhật để người dân có 3 ngày nghỉ liên tiếp. Về cách tính tuổi, những người tròn 20 tuổi từ ngày 2 tháng 4 năm trước đến ngày 1 tháng 4 của năm hiện hành sẽ được tham dự nghi lễ thành nhân. Đối tượng tham gia nghi lễ cũng còn được mở rộng với người nước ngoài nếu như có đăng ký lưu trú tại nơi tổ chức nghi lễ.

Nghi lễ sẽ diễn ra tại các đền thờ và người tham dự sẽ mặc những bộ trang phục truyền thống sang trọng. Đối với nữ là Furisode còn nam là Haori và Hakama. Họ sẽ tự tay chọn những tấm bưu thiếp (bán trước cổng đền), viết những điều mong ước của riêng mình rồi treo trên giá trong đền. Trong nghi lễ sẽ không thiếu những buổi tiệc mừng với gia đình và bạn bè.

5. Nghi lễ hôn nhân

Nghi lễ hôn nhân

Nghi lễ hôn nhân theo mô thức truyền thống hầu như vẫn tuân thủ theo nghi thức của Thần đạo (Shinto) với các bước như sau:

  • Lễ ăn hỏi: Ngày tháng được lựa chọn kỹ càng để tránh mang điềm xấu. Trước hôn lễ chính thức một ngày, cô dâu (Hanayome) đến đền thờ làm lễ, tổ chức bữa tiệc chia tay với cha mẹ và hàng xóm bởi lẽ các nghi lễ trong ngày cưới chủ yếu diễn ra tại nhà chú rể (Hanamuko). Trong lễ cưới, cô dâu mặc Kimono màu trắng nhằm biểu hiện sự thanh khiết của cơ thể và tâm hồn còn chú rể vận lễ phục Haori và Hakama.
  • Lễ thề ước: Trước khi tiến hành nghi lễ này, cả đôi tân hôn, người đại diện của đền thờ sẽ thực hiện nghi lễ với ý nghĩa về sự trong sạch theo quan niệm của Thần đạo. Trong nghi lễ, cô dâu và chú rể giao uống với nhau chén rượu ngày cưới theo nghi thức Sansankudo – nghi thức nhấp 3 ngụm rượu Sake 3 lần trong một bộ 3 chiếc chén từ nhỏ đến lớn.
  • Giới thiệu gia đình hai họ: Người thân của cô dâu, chú rể mời rượu nhau và sau đó tổ chức tiệc cưới.
  • Sau lễ cưới một vài ngày, cô dâu trở về nhà bố mẹ đẻ, mang theo quà cho người thân, bạn bè, đi chào hỏi, cảm ơn những người hàng xóm xung quanh.

6. Nghi lễ lên lão (Kanreki)

Nghi lễ lên lão

Người đến tuổi lên lão (qua 60 tuổi) sẽ được người trong gia đình, dòng tộc tổ chức lễ mừng chủ yếu diễn ra tại nhà. Họ sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là lễ phục truyền thống và mang gam màu đỏ – biểu hiện cho sự vận động liên tục và tràn đầy sức sống dẻo dai, khoác áo Ponshin và ngồi trên đệm bông trước bàn thờ hay nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Mọi người trong gia đình, dòng họ và khách mời lần lượt đến biếu tặng quà cùng lời chúc mừng của họ đối với chủ nhân. Sau nghi thức này là lễ tiệc mừng với những mâm cỗ thịnh soạn.

7. Nghi lễ tang ma

Nghe lễ tang ma

Hầu hết tang lễ ở Nhật Bản tiến hành theo nghi thức Phật giáo nếu như không có yêu cầu đặc biệt về tôn giáo của người đã khuất và những kiêng kỵ xung quanh nghi lễ tang ma cũng được mọi người tuân thủ nhằm tránh sự không may cho tang chủ, gia đình, dòng tộc.

Sau khi tắm rửa cho người đã khuất, người ta dùng vải bông trắng khâm liệm rồi mặc trang phục Kimono màu trắng, mặc mặt trái và từ bên trái trước. Áo được vắt, buộc về bên trái đồng thời tránh sử dụng kéo mà chủ yếu là dùng hồ dán lại.

Từ khi mai táng đến ngày thứ 7, người trong gia đình phải tiến hành nghi lễ thắp hương, đốt đèn tại phần mộ người đã khuất. Ngày thứ 35 (kể từ ngày mai táng) gọi là ngày “kỵ húy” (Kichu), các thành viên trong gia đình thực hiện lễ tắm với quan niệm gột rửa những điều không may và tổ chức nghi lễ cúng với ý nghĩa sẽ tiếp tục tuân thủ những kiêng kỵ như tập quán quy định. Tới ngày thứ 49, gia đình làm lễ Kiake để kết thúc thời gian mặc tang phục và những kỵ húy liên quan. Đồ cúng quan trọng nhất trong lễ này là bánh lưỡi bò (Noshimochi) và một cái bánh giầy to hay còn được gọi là bánh đại phúc (Ofukumochi) được cắt thành 48 miếng để ở nhà cúng lễ.

Nguồn bài viết: NHỮNG NGHI LỄ VÒNG ĐỜI NGƯỜI CỦA DÂN TỘC NHẬT BẢN. Tác giả Hoàng Minh Lợi.

Dẫn theo Trang web Nghiên cứu Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu ĐBA: http://cjs.inas.gov.vn/

(HONTO đã xin phép và nhận được sự đồng ý).

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review