Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

HIKIKOMORI – Sản phẩm của một xã hội Nhật Bản đầy sức ép

Hiện nay, khoảng 1% dân số Nhật Bản trải dài trong nhiều độ tuổi mắc hội chứng này. Vậy điều gì đã khiến những Hikikomori rơi vào bế tắc và tự biến mình thành những thành phần xa lánh xã hội?

Hikikomori là gì?

Khái niệm Hikikomori (引きこもり), bắt nguồn từ cuốn sách của nhà tâm lý học Tamaki Saito, chỉ những người sống tách biệt với xã hội (thậm chí là gia đình) và trải qua khủng hoảng tâm lý kéo dài từ 6 tháng trở lên. Hội chứng Hikikomori rất khó nhận biết trước bởi những thanh niên mắc chứng bệnh này trước đều là những người hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh, và đôi khi còn bộc lộ những năng khiếu cá nhân từ sớm. Những biểu hiện của Hikikomori có thể kể đến như: không đi làm/đi học, không tương tác/giao tiếp với người khác, ở lì trong phòng, lặp lại các hoạt động sinh hoạt cơ bản như ăn uống, xem phim, đọc truyện v.v.

Hiện nay, khoảng 1% dân số Nhật Bản mắc hội chứng này, trải dài trong nhiều độ tuổi và đa phần là những người trưởng thành. Theo khảo sát của NHK, khoảng 53% các Hikikomori là nam giới, tức tỉ lệ nam nữ mắc bệnh khá đồng đều.

Vậy điều gì đã khiến những Hikikomori rơi vào bế tắc và tự biến mình thành những thành phần xa lánh xã hội?

Không phải tất cả Hikikomori đều ở trong nhà

Trong thực tế, cách hành xử của Hikikomori cũng rất khác nhau, đa phần họ không bao giờ ra khỏi nhà, song cũng có người hàng ngày vẫn xách cặp, túi ra khỏi nhà như đi học đi làm, nhưng thực ra họ lang thang vô định hết đường này phố khác hoặc leo lên tàu điện đi loanh quanh. Họ rời nhà từ rất sớm và che mặt để tránh không chạm mặt mọi người hoặc ban ngày giam mình trong phòng kín và chỉ ra ngoài khi tối trời. Cũng đã có một vài trường hợp Hikikomori đi ra ngoài và gây ra những hành vi phạm pháp nghiêm trọng như cướp của, giết người, cưỡng bức… tuy nhiên đa số Hikikomori không làm hại ai.

Theo khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản năm 2015, có nhiều nguyên nhân dẫn đến Hikikomori, chủ yếu là do tác động từ bên ngoài khiến người bệnh mất hết hoài bão, chí hướng và rơi vào trạng thái trầm uất, mặc cảm, chán nản, muốn buông xuôi…. Đó có thể là do thành tích thấp kém trong công việc, học tập; thất tình hay bị bắt nạt; sức ép từ học hành, thi cử; sức ép từ công việc, từ gia đình, xã hội… Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân do ốm đau, bệnh tật; sự mệt mỏi từ các mối quan hệ xã hội và các rắc rối khác trong cuộc sống…

Hệ thống giáo dục khắc nghiệt

Hình ảnh một quốc gia quy củ, nề nếp và đi đầu về mặt thành tích xuất phát từ bộ máy giáo dục nặng nề và máy móc mà người Nhật đã dày công tạo dựng. Từ bé, trẻ em Nhật đã phải cật lực học 8 tiếng/ngày, 5~6 ngày/tuần, thậm chí đi học cả vào thứ 7. Đi kèm với đó là các áp lực về thi cử, điểm số đến từ phía gia đình, trường lớp như phải đạt hạng nhất, phải vào được trường tốt, v.v. Sự cạnh tranh khốc liệt đã dẫn đến các vấn nạn về bạo lực học đường khiến nhiều em học sinh bị cô lập, bắt nạt.

Nguyên nhân này góp một phần rất lớn khiến các Hikikomori sợ sệt hoặc chán ghét việc đến trường, tránh đối mặt với các áp lực trong học tập cũng như các mối quan hệ với giáo viên, bạn học.

Sức ép trong đời sống kinh tế, xã hội hiện đại

Dựa trên một cuộc khảo sát công bố năm 2014, thanh niên Nhật Bản xếp hạng thấp nhất về mức độ hài lòng với bản thân. Điều này xuất phát từ sức ép trong xã hội hiện đại Nhật Bản.

Các gia đình Nhật thường sống biệt lập với họ hàng nội, ngoại. Bố mẹ quá bận bịu nên dành ít thời gian quan tâm đến con cái dẫn đến việc con cái thường tự xoay sở với các vấn đề của mình mà không được chỉ dạy về cách thức giao tiếp, giải quyết. Ngoài ra, tỷ lệ ly hôn của các gia đình Nhật Bản khá cao, càng dễ khiến con cái cảm thấy cô đơn, buồn chán. Và các gia đình Nhật thường sinh ít con, đồng nghĩa với việc kỳ vọng của bố mẹ sẽ dồn lên vai đứa trẻ, tạo nên một áp lực to lớn buộc người trẻ ở Nhật phải cố gắng thỏa mãn những yêu cầu của nền kinh tế và xã hội.

Những gánh nặng về mặt tâm lý trên về lâu dài đã khiến người Nhật rơi vào tuyệt vọng, buông bỏ tất cả và trở thành những Hikikomori.

Đặc thù văn hóa, lịch sử

Nhật Bản có những đặc thù riêng về văn hoá, lịch sử đã in hằn trong lối sống và cách ứng xử của phần đông người dân. Nếu họ làm trái lại sẽ bị cho là vi phạm truyền thống.

Trong đó có thể kể đến việc đề cao sự cô đơn, tĩnh lặng, không xâm phạm không gian riêng tư. Ngoài ra, các quan niệm “trọng nam, khinh nữ”; “con trưởng” vẫn còn tồn tại và gây áp lực cho cánh đàn ông phải có thu nhập ổn định, đồng thời kiềm hãm phái nữ phát huy năng lực. Văn hoá đồng nhất, coi trọng tên tuổi, vẻ bề ngoài, thanh danh,… cũng khiến các thanh thiếu niên Nhật Bản cảm thấy bí bách và phản ứng xã hội một cách thầm lặng, thậm chí căm ghét bản thân.

Các phương tiện giải trí hiện đại như manga, anime, game,… cũng là những tác nhân quan trọng khiến càng có nhiều người trẻ thích sống “ẩn dật” và đắm chìm vào thế giới ảo của riêng mình mà không màng đến việc học, công việc hay cuộc sống thực.

Nguồn bài viết: Hikikomori – VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN – Tác giả Vũ Phương Hoa. Dẫn theo Trang web Nghiên cứu Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu ĐBA: http://cjs.inas.gov.vn/ (HONTO TV đã xin phép và nhận được sự đồng ý).
Biên tập: HONTO TV

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review