Notice: Undefined index: options in /mnt/shared-stack/plugins/elementor-pro/3.15.0-cloud1/modules/theme-builder/widgets/site-logo.php on line 192

Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

Shoujo Manga – Phương tiện đấu tranh cho nữ quyền Nhật Bản

Shoujo Manga là một thể loại truyện tranh Nhật Bản được yêu thích bởi độc giả toàn thế giới. Hãy cùng tìm hiểu vai trò của Shoujo Manga trong vấn đề nữ quyền.

Về manga

Văn hóa Manga (truyện tranh) có ở Nhật Bản từ thế kỉ XII, và ngày nay Manga đã trở thành loại hình giải trí phổ biến không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Manga chia ra thành các thể loại phong phú như: Shounen (dành cho con trai), Shoujo (dành cho con gái), Josei (dành cho nữ giới nói chung), Kodomo (dành cho trẻ em), Seinen (dành cho người lớn, thanh niên), Yaoi (truyện tranh đồng tính nam), Yuri (truyện tranh đồng tính nữ), Horror (thể loại kinh dị), Fantasy (thể loại giả tưởng), Adventure (thể loại mạo hiểm),… Trong các thể loại kể trên thì Shoujo Manga (少女漫画) – Truyện tranh cho thiếu nữ là một trong bốn thể loại chiếm vị trí quan trọng nhất bên cạnh Shounen, Seinen và Josei, chiếm 30% lượng Manga phát hành. Shoujo Manga ban đầu được định hướng dành cho các bé gái có độ tuổi dưới 18, tuy nhiên sau này phạm vi độc giả mở rộng ra mọi lứa tuổi và giới tính.

Ở Việt Nam, Manga Nhật Bản được du nhập vào từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 bằng nhiều con đường, chủ yếu là in ấn, dịch lậu và xách tay mang về. Còn con đường du nhập chính thức là thông qua sách, báo và tạp chí nhập khẩu, dịch và xuất bản ở Việt Nam với sự đồng ý của tác giả và của nhà xuất bản phía Nhật Bản nhờ vào chính sách đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Bộ truyện đầu tiên được mua bản quyền là Doraemon (Đôrêmon) năm 1996, sau đó là Meitantei Konan (Thám tử lừng danh Conan) năm 2000. Hai bộ truyện tranh này được nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức dịch và xuất bản, và được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt. Lần đầu tiên giới trẻ Việt Nam đã được biết đến một loại hình giải trí của Nhật Bản. Tiếp sau sự thành công của Doraemon thì các bộ truyện tranh nổi tiếng khác thuộc thể loại Shounen Manga cũng được xuất bản ở Việt Nam như Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng), Ore wa Teppy (Siêu quậy Teppy),… Tiếp theo đó thì thể loại Shoujo Manga cũng dần tiếp cận và chinh phục các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là các bạn nữ. Nổi tiếng nhất các các bộ truyện tranh Glass Mask (Mặt nạ thủy tinh) và Sailor Moon (Thủy thủ mặt trăng).

Shoujo Manga thời xưa

Giống với các thể loại Manga khác, những Shoujo Manga đầu tiên được trình bày dưới dạng chương ngắn và được đăng tải trên các tạp chí dành cho trẻ em. Sau này tạp chí Shoujo (tạp chí dành cho thiếu nữ) xuất hiện vào đầu những năm 1900, đăng tải Shoujo Manga với hình thức và nội dung đơn giản cùng những khiếm khuyết về bố cục khung tranh, trang trí nền, cốt truyện… Đến những năm 1930, Shoujo Manga bắt đầu có nội dung dài hơn, kỹ thuật vẽ cũng phức tạp hơn, và các chương truyện tranh cho thiếu nữ đã chiếm một vị trí quan trọng hơn trong tạp chí.

Năm 1949, bộ truyện “Anmitsu Hime” lần đầu tiên được xuất bản với nội dung hài hước thuần Nhật giống với Manga thời kỳ trước chiến tranh. Câu chuyện xoay quanh công chúa Anmitsu, 16 tuổi nhưng chưa có ý trung nhân, cô đã lẻn ra khỏi hoàng cung, và câu chuyện cứ thế mở ra với chuyến phiêu lưu của nàng công chúa. Nét vẽ của bộ truyện khá đơn giản, với những chi tiết khuôn mặt được giản lược, khái quát hóa với các khối hình như vuông, tròn hay tam giác…

Giai đoạn những năm 1950, cốt truyện Shoujo Manga hầu hết là bi kịch. Các nhân vật chính thường là nữ không có mẹ, chịu sự hành hạ của mẹ kế hoặc bị vùi dập bằng những đau khổ khác, chờ đợi một người đàn ông trẻ, đẹp trai tới giải cứu. Vào năm 1953, tác phẩm mang tính chất đột phá「リボンの騎士」 (Princess Knight – 1953) do Tezuka Osamu sáng tác đã thể hiện sự khác biệt rõ rệt với Shoujo Manga trước đây ở độ dài và mức độ bạo lực trong đó. Đây có lẽ là bộ truyện có nữ anh hùng đầu tiên của Nhật Bản. Cũng giống như các bộ truyện phát hành sau Chiến tranh Thế giới II, bộ truyện này và Shoujo Manga nói chung cũng bị ảnh hưởng phong cách phương Tây, thể hiện ở cốt truyện phiêu lưu, lãng mạn và tạo hình nhân vật được vẽ theo chuẩn mực của người phương Tây, mắt to mũi cao, thân hình cao lớn.

Shoujo manga thời nay

Ngày nay, khoảng 90% tác giả Shoujo Manga là nữ, nhưng những cây bút tiên phong trước những năm 1970 hầu hết là nam giới. Họ viết Shoujo Manga như là bước đệm trước khi chuyển sang thể loại chính của mình là Shounen. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn có một số nữ tác giả đáng được chú ****ý, đặc biệt là Toshiko Ueda, Hideko Mizuno, Masako Watanabe, và Miyako Maki. Những nghệ sĩ này đem lại nguồn cảm hứng không chỉ cho độc giả mà cả những nghệ sĩ Shoujo Manga hiện đại. Từ sau năm 1970 số lượng nữ tác giả tăng lên nhanh chóng, dẫn đến tình trạng các nam tác giả Shoujo Manga cũng lấy bút danh là nữ trong những năm 1980, và tình trạng này còn kéo dài đến tận ngày nay.

Trước năm 1970 Shoujo Manga chủ yếu viết theo công thức lãng mạn, nhưng các thành viên của 「24 年 组 」(Year 24 Group) – nhóm các nữ tác giả Shoujo Manga chuyên nghiệp đầu tiên – đã tạo nên làn sóng mới với các chủ đề như tình cảm đồng tính, t.ự t.ử, vấn đề tâm lý, và tình dục của phụ nữ, hướng tới phân tích chiều sâu tâm lý phức tạp. Một trong những thành viên của nhóm – Ikeda Riyoko đã gặt hái được nhiều thành công với bộ truyện「ベルサイユのばら」(Rose of Versailles- Hoa hồng Véc xây), lấy bối cảnh nước Pháp giữa thế kỷ XVIII, viết về nhân vật chính Oscar- tuy là phụ nữ nhưng trải qua quá trình trưởng thành như một người con trai.

Shoujo Manga hiện đại vẫn đang tiếp tục phát triển và ngày càng trở nên phong phú đa dạng với các dòng, nhánh nhỏ như Shoujo-ai, Maho shoujo,… Một tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn này là 「美少女戦士セーラーム-ン」(Sailor Moon) của tác giả Takeuchi Naoko, kể về một nhóm nữ chiến binh thủy thủ bảo vệ chính nghĩa nhưng hàng ngày vẫn cắp sách đến trường như những học sinh trung học bình thường. Truyện gây được tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mĩ, Thụy Điển, Tây Ban Nha…Ở Việt Nam, truyện được biết đến với tên gọi “Thủy thủ Mặt trăng”.

Một số đặc điểm của Shoujo Manga

Trong khi Shounen (truyện tranh dành cho con trai) khai thác các khía cạnh như hành động phiêu lưu, mạo hiểm, thể thao, khoa học kĩ thuật, sự hoàn thiện cá nhân, kỷ luật thép thì Shoujo Manga gây được cảm tình với độc giả khi đi sâu vào nội tâm nhân vật nữ chính với các hình ảnh vừa nhẹ nhàng lãng mạn vừa phức tạp. Điểm nhấn của Shoujo Manga gần như không nằm ở cốt truyện hay lời thoại bởi chúng thường đơn giản, dễ đoán với nhiều tình tiết được cường điệu hóa giống như phim truyền hình dài tập. Điểm thu hút nằm ở sự phát triển nhân vật và các mối quan hệ của nhân vật, tác giả sẽ dùng cốt truyện làm điểm tựa để tăng tính hấp dẫn cho nhân vật.

Shoujo Manga cũng đem đến sự thoải mái cho bạn đọc bởi phần lớn kết thúc có hậu. Nhưng Shoujo Manga cũng có khi không hẳn là những giấc mơ đẹp, người Nhật thường gọi một số đầu truyện là “cái giá của nước mắt”. Những câu chuyện tình yêu xen lẫn bi kịch luôn được các tác giả nữ tận dụng triệt để. “Sướt mướt” là đặc điểm chung của Shoujo Manga với những mối tình tay ba, tay bốn khiến Shoujo Manga không quá kén người đọc. 

Các chủ đề thường gặp trong Shoujo Manga là: tưởng tượng, lãng mạn cổ điển, lãng mạn hiện đại, phiêu lưu, hồi hộp,… Trong đó các nhân vật nữ chính thường là các cô gái với thân hình siêu mẫu, mái tóc bồng bềnh hoặc thẳng mượt, mắt to long lanh chiếm đến gần 1/3 khuôn mặt, cằm nhọn, miệng nhỏ,… tượng trưng cho mẫu hình nữ giới lý tưởng qua con mắt của người Nhật Bản.

Một số bộ Shoujo Manga nổi tiếng là: Hana Yori Dango (Con nhà giàu) của Yoko Kamio, Nana của Ai Yazawa, Nodame Cantabile (Nodame – Nốt nhạc thăng trầm) của Ninomiya Tomoko, Honey and clover (Mật ong và Cỏ ba lá) của Umino Chika, Glass mask (Mặt nạ thủy tinh) của Suzue Miuchi, Candy candy (Candy – Cô bé mồ côi) của Yumiko Iragashi, Fruits Basket (Giỏ trái cây) của Takaya Natsuki,…

Shoujo Manga - Bước tiến dài của nữ quyền Nhật Bản

Ở Nhật Bản, Shoujo Manga như là một phương tiện đấu tranh cho nữ quyền Nhật Bản. Có thể thấy, qua mỗi thời kỳ, Shoujo Manga lại phản ánh những ước muốn hay xu hướng tính cách của phái nữ trong những thời điểm khác nhau. Nhiều nhà tâm lý học Nhật Bản cũng đồng ý với quan điểm: Shoujo Manga là bước tiến dài của nữ quyền. Trong truyện tranh, nữ giới thường rất mạnh mẽ, cách nhìn nhận thế giới xung quanh cũng tự do và thoáng hơn. Bên cạnh đó, Shoujo Manga còn mở ra câu chuyện bình đẳng giới. Nữ giới có quyền mơ về những “Bạch mã hoàng tử” mà họ hầu như khó bắt gặp ở đời thực cũng đồng nghĩa với mưu cầu những hạnh phúc của riêng mình. Cốt truyện có thể khác nhau, bối cảnh có thể khác nhau, nhưng phần lớn các câu chuyện đều mang thông điệp về ý nghĩa của cuộc sống, về vai trò của người phụ nữ, đi cùng với đó là những câu chuyện tình yêu lãng mạn không thể thiếu trong mỗi bộ Shoujo Manga.

Giáo sư Sakae Kato, Giảng viên trường Đại học Daito Bunka, Nhật Bản, cho biết: “Nữ tác giả sáng tác truyện Shoujo Manga và người đọc thường không chênh lệch quá nhiều về tuổi tác nên tính giáo dục trong truyện Shoujo Manga không phải kiểu cha mẹ dạy cho con cái mà giống như người chị dạy cho em. Nó như một lời khuyên của người đi trước dành cho thế hệ sau. Có lẽ, đó chính là đặc điểm nổi bật khiến Shoujo Manga chinh phục trái tim hàng triệu người trên toàn thế giới…”.

Thể loại Shoujo Manga được coi là thể loại Manga có tính chất khá thuần khiết khi không có nhiều những cảnh bạo lực hay tình dục như những thể loại Manga khác. Nội dung của truyện với xoay quanh ý chí vươn lên mạnh mẽ, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của nhân vật nữ chính cùng với những tình cảm gia đình, bạn bè hay tình yêu trong sáng của thể loại Shoujo Manga cũng góp phần làm thay đổi quan điểm sống của nhiều thanh niên. Điều này đã có ảnh hưởng tích cực đối với giới trẻ trên thế giới nói chung cũng như giới trẻ Việt Nam nói riêng, tuy nhiên đôi khi cũng gây ra những ảo tưởng sai lệch về cuộc sống thực tế.

Nguồn bài viết: Tìm hiểu Shoujo Manga (少女漫画) – Truyện tranh dành cho thiếu nữ ở Nhật Bản. Tác giả Trần Thị Hiền.

Dẫn theo Trang web Nghiên cứu Nhật Bản của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu ĐBA: http://cjs.inas.gov.vn/

(HONTO đã xin phép và nhận được sự đồng ý)

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review