Trong bối cảnh các vấn đề về nợ lương và sa thải bất công liên tiếp diễn ra, năm 2021 đã có hơn 23.000 trường hợp thực tập sinh xin tư vấn tại cổng tư vấn chuyên môn, liên quan tới chế độ cho phép thực tập sinh vừa học vừa làm.
Mục đích chính của chế độ này là phát triển nguồn nhân lực tại các nước đang phát triển. Tính đến cuối tháng 6 năm 2022 đã có hơn 320.000 thực tập sinh đang sinh sống tại Nhật Bản theo chế độ này. Tuy nhiên, các vấn đề với công ty như nợ lương và sa thải bất công vẫn chưa có hồi kết.
Cơ quan Đào tạo Thực tập sinh kỹ năng nước ngoài, một tổ chức pháp nhân chuyên về hỗ trợ thực tập sinh được chính phủ phê duyệt, đã thành lập cổng tư vấn cho thực tập sinh. Trong năm 2021, đã có 23.701 trường hợp được tiếp nhận qua cổng tư vấn này.
Về nội dung yêu cầu tư vấn, nhiều nhất là các trường hợp liên quan đến quản lý với 3.967 yêu cầu. Tiếp theo là 3.866 trường hợp về điều kiện làm việc như tiền lương và làm thêm giờ, và 3.002 trường hợp liên quan tới việc phải về nước giữa chừng.
Cổng tư vấn được thành lập cách đây 5 năm. Số lượng các yêu cầu tư vấn không ngừng tăng lên, với nhiều vấn đề khác nhau. Tổng yêu cầu năm 2021 cao hơn 1,8 lần so với năm 2020 và 3,2 lần so với năm 2019.
Liên quan đến chế độ thực tập sinh kỹ năng, có nhiều ý kiến cho rằng mục đích và thực tế khác xa nhau, trong đó có việc sử dụng thực tập sinh như một lực lượng lao động giá rẻ. Chính phủ đã tổ chức hội nghị các tri thức nhằm xem xét lại chế độ này, cũng như triển khai các cuộc thảo luận cụ thể.
Thực tập sinh Việt Nam có xu hướng không chọn Nhật Bản
Việt Nam là quốc gia đứng đầu về số lượng thực tập sinh kỹ năng phái cử sang Nhật Bản. Trong bối cảnh đồng yên tiếp tục mất giá, kéo theo thu nhập thực tế giảm sút, một bộ phận người lao động đang chuyển từ Nhật Bản sang một quốc gia khác, hoặc trở về Việt Nam sau thời gian làm việc tại Nhật Bản.
Theo Cục quản lý xuất nhập cảnh, tính đến cuối tháng 6 năm 2022, số lượng thực tập sinh kỹ năng nước ngoài vừa học vừa làm việc tại Nhật Bản đã lên tới hơn 327.000 người. Thực tập sinh người Việt Nam đông nhất, chiếm khoảng 55%.
Tại Việt Nam, có rất nhiều công ty phái cử dạy ngôn ngữ và phong tục tập quán của Nhật Bản cho những người muốn làm việc ở nước ngoài.
Tại một công ty phái cử ở Hà Nội, có khoảng 80% ứng viên muốn lao động tại Nhật Bản theo diện thực tập sinh kỹ năng, nhưng thời gian gần đây, ngày càng nhiều người chuyển hướng sang Đài Loan (Trung Quốc).
Công ty cho biết một số lý do cho xu hướng này. Một là, từ đầu năm 2022, yên Nhật đã giảm tới 20% so với đồng Việt Nam, dẫn tới thu nhập tại Nhật Bản giảm sút. Hai là, Đài Loan (Trung Quốc) lại gần Việt Nam hơn, chi phí đi lại cũng thấp hơn. Ba là, các biện pháp hạn chế nhập cảnh của Nhật Bản trong thời gian sắp tới còn chưa rõ ràng.
Do ứng viên muốn sang Nhật làm việc giảm và không đủ số lượng nhân lực, công ty này đã phải đề nghị bên tiếp nhận tại Nhật Bản hoãn lịch phỏng vấn. Một nam ứng viên sau khi lựa chọn Đài Loan (Trung Quốc) thay cho Nhật Bản chia sẻ: “Tôi cũng có tìm hiểu về Nhật Bản, và thấy là đồng yên Nhật đang rẻ đi khá nhiều. Bạn tôi ở Nhật cũng nói là kiếm không đủ tiền đâu.”
Ông Bùi Xuân Quảng, Chủ tịch công ty cho biết: “Các thực tập sinh rất do dự về việc sang Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng giá trị đồng yên sẽ tăng lên và các thực tập sinh có thể có thu nhập ổn định.”
Thực tập sinh kỹ năng lựa chọn về nước
Anh Nguyễn Trung Thành, 35 tuổi, sống ở miền Trung Việt Nam cùng vợ và 2 con gái (7 tuổi và 3 tuổi).
Anh Thành quyết định sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh, vừa để học thêm kỹ năng mới vừa kiếm tiền trang trải học phí cho hai con.
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát, anh đã không thể nhập cảnh vào Nhật Bản trong hơn một năm. Đến cuối tháng 5 năm ngoái, anh mới có thể đến Nhật và bắt đầu làm việc tại một công ty xây dựng sau khi các biện pháp hạn chế nhập cảnh được nới lỏng.
Tại công ty, anh đã được giảng giải kỹ càng về công việc và môi trường làm việc cũng rất tốt.
Thế nhưng, anh cũng phải gửi tiền về cho gia đình. Do đồng yên giảm, nên so với đồng nội tệ của Việt Nam, thu nhập của anh cũng bị giảm xuống. Hơn nữa, giá cả và chi phí sinh hoạt ở Nhật Bản cao hơn anh hình dung nên anh không còn cách nào khác ngoài việc gửi tiền về ít hơn.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tháng 7/2022, lương tối thiểu đã được điều chỉnh tăng khoảng 6%. Nhận thấy khoảng cách lương đang dần được thu hẹp so với Nhật Bản, nên chỉ sau 3 tháng tới Nhật, anh đã trở về Việt Nam vào tháng 8.
Ngay sau khi trở về Việt Nam, anh đã nhận được lời mời làm việc tại 3 công ty khác nhau và hiện đang làm việc ở một công ty trong nước.
Mức lương thấp hơn khoảng 40% so với khi còn ở Nhật nhưng anh hài lòng với cuộc sống hiện tại vì anh có thể dành thời gian cho gia đình và sẽ được tăng lương trong tương lai.
Anh Thành chia sẻ: “Khi đồng yên giảm, mức lương nhận được không như tôi mong đợi. Thời gian làm việc của tôi ở Nhật Bản quá nhiều, khiến tôi gần như không có thời gian rảnh. Nếu so sánh mức lương ở Nhật Bản và Việt Nam, tôi thấy không đáng để sống xa vợ con 3 năm.”
Thực tập sinh sang tỉnh khác vì không được trả lương
Tháng 11/2022 đã xảy ra vụ việc một số thực tập sinh kỹ năng Việt Nam làm việc tại một công ty may ở thành phố Seiyo, tỉnh Ehime không được trả lương làm thêm giờ.
Tại một cuộc họp báo do các đoàn thể hỗ trợ tổ chức, 11 thực tập sinh đã làm việc ngoài giờ trong nhiều tháng liền, tổng số giờ làm thêm lên tới 150 tiếng. Tuy nhiên hầu hết họ chỉ được trả khoảng 350 yên đến 400 yên mỗi giờ, bằng khoảng một nửa mức lương tối thiểu.
Tính từ năm 2021, tổng số tiền chưa thanh toán cho 11 thực tập sinh này là 27 triệu yên, tương đương hơn 4,7 tỷ đồng.
Trong tình hình đó, các thực tập sinh này không thể làm việc tại công ty cũ nữa. Ngoài ra, vì công ty bắt đầu nộp hồ sơ xin phá sản, nên họ đã được một công ty may khác ở tỉnh Gifu nhận vào làm nhờ một số tổ chức hỗ trợ.
Sau khi vụ việc bị phơi bày, hãng thời trang Wacoal, chủ thầu của công ty may mặc này đã hỗ trợ 5 triệu yên (hơn 870 triệu đồng) giúp các thực tập sinh trang trải phí sinh hoạt.
Đại diện của công ty muốn thanh toán lương cho người lao động thông qua chế độ hỗ trợ doanh nghiệp phá sản của Chính phủ, nhưng cũng không thể trả hết được toàn bộ số lương còn nợ. Chị Đinh Thị Bích Thạch (??) có hai con đang ở Việt Nam. Chị chia sẻ: “Vì không nhận được lương làm thêm giờ mà tôi không có tiền cho các con tôi đi học đầy đủ. Thật là đáng thất vọng. Tôi thấy rất tức giận”.
Những trao đổi như vậy được gửi đến các tổ chức hỗ trợ gần như mỗi ngày. Người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản đã tăng lên, khi các hạn chế được nới lỏng từ đầu năm 2022. Vì vậy, các tổ chức hỗ trợ đang hợp tác với Rengo Tokyo để đáp ứng kịp thời.
"Chúng tôi nhận được hơn 10 lượt tư vấn mỗi ngày, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các tổ chức phi lợi nhuận như chúng tôi lúc nào cũng chạy tới chạy lui để hỗ trợ. Tôi mong rằng Chính phủ sẽ hoàn thiện một cơ chế hỗ trợ cho người lao động.”
Giám đốc đại diện Yoshimizu Jihou của NPO Hiệp Hội hỗ trợ Nhật - Việt Tomoiki
Giám đốc Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản: "Đánh giá dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu.”
Ông Menju Toshihiro, Giám đốc Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản, là người nắm rõ các vấn đề lao động liên quan đến người nước ngoài. Ông cho biết: “Khi số lượng thực tập sinh tăng lên 200.000, 300.000 người, cơ chế hiện tại không thể giám sát hết được. Trong khi các vấn đề về lao động và nhân quyền đang được quan tâm trên toàn thế giới, chúng ta cần giải quyết vấn đề nhân quyền trước tiên.”
Ngoài ra, liên quan đến việc xem xét lại chế độ đào tạo thực tập sinh kỹ năng, ông cho rằng sức hấp dẫn của Nhật Bản đang giảm sút, một phần do đồng yên mất giá.
“Nhật Bản cần xem xét lại chế độ này, để làm sao thu hút được nhiều nhân lực hơn nữa. Dịch COVID-19 đang được kiểm soát, tình trạng thiếu lao động đang diễn ra trên khắp thế giới. Vì vậy, chúng ta cần phải suy nghĩ xem, nếu dựa trên tiêu chuẩn toàn cầu thì Nhật Bản có thực sự là một lựa chọn đáng ưu tiên hay không.”
Giám đốc điều hành Toshihiro Menju - Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản