Kênh thông tin Việt Nam - Nhật Bản
ベトナム・日本総合情報チャンネル

Lan tỏa văn hóa Ehon (絵本) đến Việt Nam nhờ duyên gặp gỡ Thượng Hoàng hậu Nhật Bản Michiko

Nhờ duyên gặp gỡ và nhận được sự khích lệ từ Thượng Hoàng hậu, hai cô gái Việt Nam và Nhật Bản đã mang Ehon đến với các em nhỏ Việt Nam.

Từ quyển Ehon “Hashi wo kakeru” (Tựa tiếng Việt: “Bắc cầu – Kỷ niệm Đọc sách Thời thơ ấu” – Xuất bản vào tháng 11.1998) ghi lại những kỷ niệm về thói quen đọc sách thời thơ ấu của Thượng Hoàng hậu, các hoạt động nhằm đưa sách Ehon đến trẻ em đang lan tỏa tại Việt Nam. Được sự khích lệ của Thượng Hoàng hậu, hai cô gái (một người Nhật, một người Việt) đã triển khai tặng các Tủ Sách Bắc Cầu cho 80 đơn vị, trong đó bao gồm cả bệnh viện. 

Năm sau sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 Quan hệ Nhật – Việt nên các cô gái đã bắt đầu các hoạt động mới.  (Ogata Yuko)

Ehon (絵本) là gì?

Ehon là một bộ truyện được minh họa bằng tranh ảnh với những nội dung hoặc đề tài hết sức gần gũi. Ở Nhật, Ehon được khuyến khích đọc cho các bé từ 0-10 tuổi. Câu chuyện giản dị và gần gũi đối với đời sống giúp bé hình dung thế giới đầy sống động và thú vị. 

 (Theo sachehon.com)

Chuyến ghé thăm Việt Nam

Tủ sách Bắc Cầu được tặng cho một bệnh viện nhi tại Hà Nội - Ảnh: Quỹ Bắc Cầu
Tủ sách Bắc Cầu được tặng cho một bệnh viện nhi tại Hà Nội - Ảnh: Quỹ Bắc Cầu

Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay đã diễn ra sự kiện tặng Ehon và Kamishibai (kịch giấy) cho một bệnh viện trong nội thành thủ đô Hà Nội. Các bé gái đang điều trị tại đây đã vui mừng hét lên thật to “Cháu thích Ehon!”, và đọc những quyển Ehon được tặng ngay tại chỗ.

“Đó là khoảnh khắc tôi cảm nhận được văn hóa đọc Ehon đã thẩm thấu đến những đứa trẻ ở Việt Nam kể từ lần tôi gặp Thượng Hoàng hậu cách đây 5 năm”. 

Chị Katsu Megumi (46 tuổi) sống tại Việt Nam đã cùng với chị Lê Thị Thu Hiền (44 tuổi) cho ra đời dự án dịch Ehon của Nhật sang tiếng Việt vào tháng 6 năm 2017, cho đến nay dự án đã xuất bản được trên 120 tác phẩm. 

Chị Katsu Megumi (phải) và Lê Thị Thu Hiền (trái) tại hoạt động quảng bá Ehon ở Việt Nam - Ảnh: Quỹ Bắc Cầu
Chị Katsu Megumi (phải) và Lê Thị Thu Hiền (trái) tại hoạt động quảng bá Ehon ở Việt Nam - Ảnh: Quỹ Bắc Cầu

Ý tưởng này bắt đầu từ buổi giao lưu với Thượng hoàng hậu khi bà đến thăm Việt Nam vào tháng 3/2017.

Lúc đó hai chị đang tổ chức các hoạt động đọc sách ehon cho trẻ em để lan tỏa văn hóa Ehon Nhật Bản đến Việt Nam. Trong buổi tiệc chào đón do đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và phu nhân chủ trì, Thượng Hoàng hậu có hỏi thăm “Phản ứng của các bé thế nào?” và đã động viên. Sau đó bà đã thông qua đại sứ quán gửi tặng hai chị quyển sách “Hashi wo Kakeru”.

Thượng Hoàng hậu tham dự buổi tiệc chào đón do đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và phu nhân chủ trì
Thượng Hoàng hậu tham dự buổi tiệc chào đón do đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và phu nhân chủ trì

“Đối với tôi, hoạt động đọc sách thời thơ ấu có ý nghĩa như thế nào?” 

“Sách – lúc thì đem đến cội rễ, khi thì chắp nên đôi cánh”.

Khi đọc những dòng này, chị Hiền chia sẻ “Tôi rất đồng cảm với nội dung nhấn mạnh việc Ehon nuôi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ”. Vào năm 1918, sau khi hai chị sáng lập dự án, tựa ehon “Hashi wo Kakeru” đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản. Năm 2019 hai chị bắt đầu hoạt động tặng sách ehon Nhật Bản đã được dịch sang tiếng Việt cho các cô nhi viện và nhiều nơi. Số tác phẩm ngày càng tăng dần, nay hai chị đã có thể triển khai các hoạt động tặng tủ sách lên đến 50 tựa.

“Bắc cầu - Kỷ niệm Đọc sách Thời thơ ấu”

Đây là tựa sách được xuất bản vào ngày 25.11. 1998, dựa trên thông điệp video mà Hoàng thái hậu đã gửi cho Hội đồng sách trẻ em quốc tế (IBBY) tổ chức tại New Delhi vào ngày 10.9 cùng năm. Ban đầu tựa sách được viết bằng song ngữ Nhật – Anh, sau đó được dịch sang 8 ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Nga, Bồ Đào Nha, Séc, Trung Quốc, Ukraina, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Gửi đến 100 năm sau

Tủ sách nhỏ “Hashi wo Kakeru” có tên tiếng Việt là Tủ Sách Bắc Cầu đã được gửi đến các bé tại bệnh viện trong thời gian các hoạt động giao lưu bị hạn chế do ảnh hưởng của Covid. 

Trong một lần các chị ghé một bệnh viện địa phương để kiểm tra tủ sách thì phát hiện có một tựa các bé đọc đến độ bìa sách long cả ra. Đó là tựa sách văn học thiếu nhi “Denden Mushi no Kanashimi” (Nỗi buồn ốc sên) của nhà văn Niimi Nankichi. 

Nội dung tựa sách kể về một chú ốc sên hay than thở vì chiếc vỏ của mình chất đầy những nỗi buồn, nhưng khi biết rằng vỏ ốc của bạn mình cũng đầy nỗi buồn thì chú không còn than thở nữa. Câu chuyện dạy trẻ biết cách chấp nhận và vượt qua nỗi buồn này là tác phẩm mà Thượng Hoàng hậu rất thân thuộc ngay từ thời thơ ấu. Chị Katsu chia sẻ: “Tôi nghĩ chắc là các bé đã cảm nhận được gì đó từ tác phẩm”.

Sau khi đạt được mục tiêu “Xuất bản 100 tác phẩm trong vòng 5 năm”, hiện nay chị Katsu đang tìm kiếm một mô hình hoạt động mới.

Một trong những hoạt động đó là tặng tủ sách cho các bé ở vùng núi vì các bé khó có điều kiện tiếp xúc ehon. Ngoài ra, năm sau là kỷ niệm 50 năm mối quan hệ Nhật Việt, chị đang lên kế hoạch chọn tuần lễ có ngày 20/10 (sinh nhật của Thượng Hoàng hậu) làm “Tuần lễ Ehon”, và sẽ thực hiện một số hoạt động như trưng bày Ehon và tranh gốc của Ehon. Thông qua việc tổ chức sự kiện này định kỳ vào tháng 10 hàng năm, chị mong muốn sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa Nhật – Việt thông qua Ehon.

Chị Katsu và chị Hiền mong ước rằng “Có thể vẽ nên tương lai 50 – 100 năm nữa cho câu chuyện Ehon Nhật Bản đã lan tỏa và bén rễ ở Việt Nam nhờ duyên gặp gỡ với Thượng Hoàng hậu”.

Nguồn: The Sankei News
Bài viết gốc

Mục lục

Cùng chuyên mục

HONTO News

HONTO Review